Tuy nhiên, trên thực tế, đã qua nhiều năm, tình trạng đầu vụ giá trồi sụt, vào rộ rớt thảm hại và cuối vụ lại tăng khi không còn lúa đã khiến nguồn ngân sách nhà nước đổ vào để thu mua tạm trữ lúa gạo chỉ là giải pháp tình thế mà chưa hề có một cuộc đánh giá, so sánh thiệt hơn nhằm tìm ra giải pháp khả thi, bền vững.
Vấn đề đặt ra hiện nay là song song với việc nghiên cứu, phân tích những điểm được, chưa được về chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, các bộ, ngành cũng cần thiết bàn bạc và xem xét thấu đáo việc xây dựng nền sản xuất lúa gạo của Việt Nam thuộc phân khúc nào. Thời gian qua, chúng ta khuyến cáo nông dân trồng giống lúa chất lượng cao nhưng đến vụ, lúa cấp nào cũng được các doanh nghiệp chuyên doanh lúa gạo tiêu thụ. Mức chênh lệch giá giữa hai cấp cũng không quá cao trong khi năng suất lúa gạo cấp thấp lại cao hơn nhiều lúa chất lượng cao và chi phí đầu tư lại thấp hơn. Hiện, lúa gạo cấp thấp của Việt Nam đang bị cạnh tranh gắt gao so với lúa gạo của các nước như: Ấn Độ, Mi-an-ma, Thái-lan... Trong khi đó, thị trường tiêu thụ mặt hàng này ngày một giảm. Do vậy, Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tỉnh ĐBSCL cần tính toán quy hoạch lại vùng nào sản xuất lúa chất lượng cao, nơi nào sản xuất lúa chất lượng thấp, tổng diện tích là bao nhiêu, thời điểm xuống giống, gắn với thị trường xuất khẩu nào, ai, doanh nghiệp nào là đầu mối bao tiêu xuất khẩu và cả giá cần được định hướng bằng những hợp đồng thương mại... Chấm dứt tình trạng để bà con nông dân canh tác kiểu nhắm mắt mà làm, lúa làm xong rồi mới đi tìm đầu ra.
Vấn đề thứ hai là, chiến lược xây dựng thương hiệu gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ của lúa gạo nói riêng và nông, thủy sản của Việt Nam nói chung. Chúng ta vẫn loay hoay theo lối mòn số lượng mà quên đi chất lượng.
Việc tự hào đứng ở tốp 3 thế giới về sản lượng xuất khẩu nay đã bị đe dọa thật sự và chúng ta đã có lúc rơi xuống vị trí thứ 4. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước cạnh tranh hạ giá để giành giật thị phần khi xuất khẩu và quên mất thị trường rất lớn để tiêu thụ gạo đầy tiềm năng là phân khúc gần 90 triệu dân Việt Nam. Nghịch lý ở chỗ lúa gạo Việt Nam luôn được các doanh nghiệp thu mua từ bà con nông dân với giá thấp nhưng người tiêu dùng lại phải mua gạo hàng hóa với mức giá cao. Trong khi gạo thương phẩm gắn mác ngoại nhập như mê hồn trận trên thị trường và giá cả cao ngất ngưởng so với giá gạo trong nước nhưng chưa có chế tài kiểm tra, giám sát.
Một giải pháp khác cũng cần tính toán đối với việc tiêu thụ lúa hàng hóa trong nhân dân là tiến hành xây dựng thêm nhiều kho tạm trữ đúng quy chuẩn và hỗ trợ nông dân được gửi miễn phí hay tính phí hợp lý khi lúa gạo vào vụ rộ, giá xuống thấp mà nông dân chưa muốn bán. Mặt khác, từ những điểm sáng của mô hình cánh đồng mẫu lớn, hơn lúc nào hết cần có một cuộc cách mạng về chuỗi liên kết sản xuất bền vững để xây dựng trên nền tảng tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Đảng, Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.