Cần bỏ tinh thần “đặc thù”!

Khách quan mà nói, FSA là một báo cáo đúng mực, ngắn gọn nhưng bao phủ khá toàn diện và xác đáng các vấn đề kinh tế vĩ mô liên quan đến hệ thống tài chính của Việt Nam

Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do WB và IMF thực hiện tại Việt Nam theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam từ năm 2012. FSAP đã được phía Việt Nam xác định là một cuộc kiểm điểm sâu sắc và toàn diện về những mặt được và chưa được trong hoạt động của khu vực tài chính, bao gồm cả công tác quản lý nhà nước cho giai đoạn từ trước tháng 12/2012.

Theo đó, đoàn công tác của chương trình này đã hoàn thành Báo cáo đánh giá khu vực tài chính (FSA) và các báo cáo liên quan về tuân thủ nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế trong thanh tra giám sát ngân hàng, bảo hiểm, thị trường vốn và hạ tầng thị trường tài chính.

Với tư cách là cơ quan đầu mối triển khai FSAP, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra thông cáo báo chí về kết quả thực hiện FSAP và công bố FSA. Trong thông cáo báo chí về kết quả thực hiện FSAP, NHNN đã tóm tắt những phát hiện chính của FSA, thừa nhận tính xác đáng và giá trị của nhiều nhận định và khuyến nghị trong FSA, nhưng đồng thời cũng nêu ra một số “bất đồng” quan điểm với FSA liên quan đến những vấn đề như tỷ lệ nợ xấu, sở hữu chéo, can thiệp của chính quyền trung ương và địa phương trong hoạt động cho vay của ngân hàng, công tác thanh tra giám sát ngân hàng v.v...

NHNN cho rằng những đánh giá của đoàn công tác FSAP “chưa thật sự phản ánh chính xác hoạt động của thị trường tài chính Việt Nam, một phần do các yếu tố rất đặc thù về mặt thể chế, lịch sử và cơ chế vận hành thị trường tài chính Việt Nam, và một phần do các nỗ lực cải cách của chính phủ chưa được ghi nhận một cách thỏa đáng vì thời điểm diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, các biện pháp cải cách của chính phủ lại mới bắt đầu đi vào triển khai, hoặc hiệu quả của các cơ chế và biện pháp đang áp dụng tại Việt Nam cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả khi có sự khác biệt với thực tiễn quốc tế. Bên cạnh đó, việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế để đánh giá trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn ban đầu cũng có thể dẫn đến một số nhận định có sự khác biệt về quan điểm”.

Khách quan mà nói, FSA là một báo cáo đúng mực, ngắn gọn nhưng bao phủ khá toàn diện và xác đáng các vấn đề kinh tế vĩ mô liên quan đến hệ thống tài chính của Việt Nam. Cũng như đã được thừa nhận bởi NHNN, FSAP hoàn thành các FSA trên cơ sở các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, chứ không có bất cứ một sự thỏa hiệp nào với các nguyên tắc và chuẩn mực “địa phương”, nên đương nhiên FSA cho Việt Nam sẽ chứa đựng nhiều phát hiện và chi tiết “bất đồng” với quan điểm của phía Việt Nam, vốn xuất phát từ những nguyên tắc và chuẩn mực Việt Nam.

Xuất phát từ việc hiểu rõ bản chất của FSA như vậy, có thể thấy việc viện dẫn ra những yếu tố như “đặc thù”, “hoàn cảnh khó khăn”, “mới bắt đầu đi vào triển khai”, “cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả”, “mới phát triển ở giai đoạn ban đầu” v.v... chỉ là những lý do bao biện không xác đáng cho những yếu kém và bất cập trong quản lý nhà nước về hệ thống tài chính của các cơ quan hữu quan Việt Nam.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Việt Nam lại có những phản ứng khá kỳ lạ như vậy, khi đã chủ động yêu cầu WB và IMF thành lập FSAP tại Việt Nam để cho ra đời FSA về hệ thống tài chính Việt Nam, để rồi lại lên tiếng biện bạch theo kiểu FSA “nói vậy mà không phải vậy”?

Câu trả lời có thể nằm việc phía Việt Nam ban đầu có lẽ cho rằng FSAP sẽ chỉ mang đến những lợi ích tiềm năng như giúp Việt Nam phân tích, đánh giá tổng quát, hiện trạng, mức độ ổn định và phát triển của hệ thống tài chính, đồng thời có những kiến nghị nhằm tăng cường sự đóng góp của ngành tài chính vào tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo v.v... một cách chung chung như vẫn thường thấy, mà không chứa đựng những phát hiện, vốn có thể coi là những chỉ trích “nhạy cảm” hoặc làm phương hại đến một cơ quan chủ quản nói riêng nào đó và cho cả thể chế nói chung ở Việt Nam như thực tế đã xảy ra.

Quay trở lại với những lý do biện bạch cho sự “bất đồng” nói trên trong Thông cáo báo chí của NHNN, có thể thấy hầu hết những điểm được chỉ ra bởi FSA, cụ thể là tỷ lệ nợ xấu, sở hữu chéo, can thiệp của chính quyền trung ương và địa phương trong hoạt động cho vay của ngân hàng, công tác thanh tra giám sát ngân hàng, là những điểm tồn tại lớn nhất, có khả năng gây nguy hại nhất đến sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam.

Cụ thể hơn, tỷ lệ nợ xấu được ước tính một cách thận trọng đến cuối năm 2012, theo FSA, đã là 12% tổng dư nợ, một con số vượt xa mọi công bố của NHNN. Tất nhiên trước đó và sau này, một số tổ chức quốc tế cũng đưa ra những ước tính con số tỷ lệ nợ xấu cao như và thậm chí còn hơn thế, nhưng phía Việt Nam luôn phủ định chúng, cho rằng đó chỉ là những ước tính thiếu thông tin và không có cơ sở. Với một báo cáo uy tín và khách quan như của FSAP, quả thật là con số 12% này làm cho nhiều người ở Việt Nam trở nên “khó ăn khó nói”.

Vấn đề can thiệp của chính quyền trung ương và địa phương trong các hoạt động cho vay của ngân hàng, đặc biệt là cho vay các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp thân hữu là vấn đề không hề mới mẻ, nhưng ít khi được đề cập đến một cách chính thức vì tính chất “nhạy cảm” của nó. Và phải đến khi được vạch ra trong FSA thì người ta mới có dịp được gọi đúng tên của căn bệnh kinh niên này trong hệ thống tài chính Việt Nam một cách công khai trong sự không thoải mái của những người trong cuộc.

Cũng tương tự như vậy, các “bất đồng” trong đánh giá sở hữu chéo và công tác thanh tra giám sát ngân hàng cũng là những điểm không mấy dễ chịu cho NHNN với tư cách là cơ quan trực tiếp liên quan và chịu trách nhiệm về những vấn đề này.

Tóm lại, với những chương trình có mục đích và tôn chỉ hỗ trợ và giúp đỡ như FSAP, điều cần có từ phía Việt Nam là một tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào những yếu kém (được vạch ra) của mình để khắc phục và hoàn thiện, chứ không phải là thái độ bao biện, khỏa lấp, viện cớ “đặc thù”... để lảng tránh trách nhiệm.



TS Phan Minh Ngọc