Trong "hành trình" đó, cà phê Việt đã nhận được cam kết lâu dài của Nestlé là góp phần đưa Việt Nam trở thành một "tham chiếu" cho cà phê Robusta thế giới.
|
Cà phê Việt Nam sẽ vươn mạnh ra thị trường thế giới. |
Nhân sự kiện khai trương Nhà máy Sản xuất hạt cà phê khử caffeine trị giá 80 triệu USD, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á, Châu Đại Dương và Châu Phi của Tập đoàn Nestlé, ông Nandu Nandkishore chia sẻ về những dự án lớn mà Tập đoàn đang triển khai để thực hiện cam kết này.
- Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông từng phát biểu: "Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đưa Việt Nam thành điểm tham chiếu của cà phê Robusta trên thế giới. Nhắc tới cà phê phải nhắc tới Việt Nam". Việc Nestlé đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất hạt cà phê khử caffeine tại Việt Nam hẳn cũng nhằm mục tiêu đó, thưa ông?
- Chỉ sau 2 năm khánh thành Nhà máy Nestlé Trị An, chúng tôi tiếp tục xây dựng Nhà máy Sản xuất hạt cà phê khử caffeine làm nguyên liệu thô để xuất khẩu tới các nhà máy của Nestlé trên toàn thế giới. Đây là nhà máy sản xuất hạt cà phê khử caffeine thứ hai của Nestlé trên toàn cầu. Sự kiện này không chỉ cho thấy một bước tiến mới trong sự hiện diện của Nestlé tại Việt Nam mà còn thêm một lần nữa khẳng định Nestlé tiếp tục thực hiện cam kết của mình trong việc tạo ra giá trị chung cho cộng đồng, cho người nông dân trồng cà phê và người tiêu dùng Việt Nam. Nhà máy sẽ dùng 100% nguyên liệu là hạt cà phê Robusta của Việt Nam. Với công nghệ tiên tiến, hạt cà phê khử caffeine sẽ đạt chất lượng tốt nhất. Từ nhà máy này, hạt cà phê của Việt Nam được nâng giá trị và tới với người tiêu dùng khắp nơi trên toàn cầu. Chúng tôi đến với Việt Nam không nhằm mục tiêu là mua càng nhiều cà phê càng tốt mà chúng tôi tới đây với cam kết lâu dài về phát triển bền vững.
- Tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức trung tuần tháng 3 vừa qua, Nestlé công bố kế hoạch hỗ trợ thêm 4 triệu cây giống cho nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên trong năm 2015. Đây có phải là một phần của sự hợp tác mà ông vừa nhắc đến?
- Đây là một hoạt động cụ thể của dự án Nestlé Plan toàn cầu được triển khai từ năm 2011. Tổng số cây giống mà dự án hỗ trợ cho nông dân cho tới cuối năm 2015 sẽ lên tới 11 triệu cây, trong đó Nestlé hỗ trợ 50% giá giống. Dự án này đặc biệt có ý nghĩa bởi diện tích cây già cỗi trên 20 năm tuổi chỉ cho năng suất bằng 50% ở Tây Nguyên hiện chiếm hơn 20%. Song song với việc cung ứng cây giống tốt, sạch bệnh, dự án còn hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nông dân để họ biết canh tác, sản xuất và tiêu dùng cà phê một cách có trách nhiệm. Từ năm 2011 đến năm 2014, Nestlé Việt Nam đã tổ chức các buổi tập huấn cho hơn 20.000 nông dân để thúc đẩy thực hành canh tác tốt.
- Cùng với Nestlé Plan, được biết Nestlé còn triển khai dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp (PPP). Xin ông cho biết, những dự án này đã đóng góp như thế nào vào mục tiêu phát triển bền vững của cà phê Việt?
- PPP là dự án được hình thành từ sáng kiến "Tầm nhìn mới về nông nghiệp" tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2010. Nestlé đã tham gia vào nhóm cà phê cùng với các đối tác khác như Yara chuyên cung cấp phân bón, Syngenta cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, các tổ chức cấp chứng nhận về cà phê như tổ chức 4C quốc tế, Rainforest Alliances… Dự án đã tiến hành xây dựng các vườn mẫu, tổ chức tập huấn cho nông dân thay đổi phương thức sản xuất và canh tác cà phê theo hướng bền vững cả về kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Với dự án này, người nông dân đã tiết kiệm được khoảng 40% lượng nước tưới, giảm lượng khí thải xuống 54%, tăng năng suất lên 12% và thu nhập lên 14%.
Tổng mức đầu tư của Nestlé tại Việt Nam hiện nay là 450 triệu USD, chúng tôi cho rằng hoạt động đầu tư này mang ý nghĩa lớn hơn là một khoản đầu tư quan trọng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Việc khánh thành Nhà máy Sản xuất hạt cà phê khử caffeine cùng các dự án phát triển cà phê bền vững mà Nestlé đang triển khai thể hiện niềm tin sâu sắc của chúng tôi với Việt Nam, nơi Nestlé đã hoạt động kinh doanh thành công trong hơn 20 năm qua, nơi chúng tôi cam kết tiếp tục tạo ra giá trị chung cho cộng đồng, cho người nông dân trồng cà phê, cho người tiêu dùng tại đây.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!