Công ty chứng khoán BSC vừa công bố báo cáo phân tích và triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2015. Theo đó, các chuyên gia đã vẽ ra 3 kịch bản cho thị trường với kịch bản tích cực nhất, VN-Index có thể đạt 650 điểm vào cuối năm, và trường hợp tiêu cực nhất, chỉ số sẽ dừng chân tại 550 điểm.
Đánh giá về các yếu tố tích cực tác động đến thị trường chứng khoán, BSC cho rằng kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế đang vận động theo quỹ đạo tăng trưởng là lực đỡ quan trọng cho thị trường chứng khoán trong những năm tiếp theo. Cùng với việc lãi suất duy trì ở mức thấp, giá dầu giảm mạnh trên 50% sẽ tác động tích cực lên kết quả kinh doanh nhiều công ty niêm yết, mở ra nhiều cơ hội mới trong năm 2015.
Bên cạnh đó, rủi ro sẽ là những biến động từ nền kinh tế thế giới như việc FED có thể nâng lãi suất trong năm 2015 và gây xáo trộn dòng vốn quốc tế; Các đầu tàu kinh tế khác như EU, Nhật Bản, Trung Quốc đang khá trì trệ, ảnh hưởng tiềm năng tăng trưởng thế giới và những biến động chính trị thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro: Nga, Mỹ, Triều Tiên…
Và không thể không nhắc đến rủi ro chính sách từ thông tư 36 với quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng và quy định tín dụng cho đầu tư cổ phiếu không được đảm bảo bằng chính cổ phiếu đó.
Dựa trên đánh giá này, BSC dự báo biến động thị trường năm 2015 theo 3 kịch bản.
Thứ nhất, kịch bản tích cực là kinh tế vĩ mô chuyển biến tốt, tăng trưởng kinh tế đạt và vượt kế hoạch. Vốn FDI và thu ngân sách duy trì tốt, Chính phủ có các biện pháp mạnh hỗ trợ nền kinh tế (đầu tư công và cải cách chính sách) và đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa, cơ cấu doanh nghiệp nhà nước,cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu qua VAMC. Cùng với đó là việc gia nhập TPP, ký FTA với EU, Hàn Quốc, hiệp định liên minh thuế quan, ASEAN trong năm 2015, cải cách môi trường đầu tư, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.
BSC kỳ vọng dòng vốn ngoại tham gia mạnh mẽ vào thị trường nhờ các giải pháp mở room nước ngoài, nâng cấp TTCK trên bảng MSCI, thành lập quỹ hưu trí, quỹ hưu trí bổ sung. Đồng thời, không có sự biến động quá lớn về địa chính trị và các cú sốc tài chính hàng hóa, thương mại trên thế giới.
Trong kịch bản này, VN-Index có thể đạt khoảng 650 điểm vào cuối năm.
Kịch bản thứ 2 là trung bình. Đó là khi kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đạt được các mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra. Vốn FDI tiếp tục tăng, cán cân xuất nhập khẩu ổn định, dự trữ ngoại hối tăng.
Các hoạt động hội nhập với kinh tế thế giới như TPP, FTA VN – EU, hiệp định thương mai tự do VN- NGa, hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP ký kết nhưng chậm hơn kỳ vọng. Song song với đó là tiến độ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu, tăng trưởng tín dụng ở mức độ vừa phải. Dòng vốn ngoại năng động ở mức vừa phải, các chính sách hỗ trợ được ban hành nhưng với tiến độ chậm.
Khi đó, VN-Index cuối năm có thể đạt khoảng 600 điểm.
Kịch bản cuối cùng, trong trường hợp tiêu cực, nền kinh tế chững lại, đầu tư xã hội và đầu tư FDI giảm sút, lãi suất tăng, nhập siêu tăng, lạm phát quay lại. Không những thế, việc xử lý nợ xâu VAMC và tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm , cơ cấu nền kinh tế chậm chạp, hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp không cải thiện. Cơ quan chức năng không có các giải pháp mới phát triển TTCK, các chính sách mới bị hoãn ban hành. Thị trường bất động sản không cải thiện, Các hiệp định thương mại tự do đình trệ. Bên cạnh đó là sự biến động lớn và bất lợi về địa chính trị thế giới và các cú sốc tài chính , hàng hóa, thương mại trên thế giới.
Khi đó, VN-Index chỉ có thể đạt đến 550 điểm vào thời điểm cuối năm.
Mai Linh