Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Nông sản ùn ứ, bộ ngành có trách nhiệm

Bên hành lang Quốc hội chiều 20-5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề nông sản ùn ứ, được mùa mất giá.

- PV: Dưa hấu, hành tím ùn ứ, phải tiêu thụ bằng "giải pháp tình thương". Là người đứng đầu ngành Công Thương, Bộ trưởng nghĩ gì?

- Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Vừa rồi có xảy ra tình trạng ùn ứ một số sản phẩm nông sản ở cửa khẩu. Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, với các sản phẩm nông nghiệp mà chúng ta đã có quy hoạch hay có kế hoạch dài hạn thì không xảy ra tình trạng này.

Chẳng hạn như lúa, chúng ta hiện đang duy trì chỉ tiêu diện tích trồng lúa ở mức 3,8 triệu ha/năm, như vậy sản lượng lúa của chúng ta không có chuyện tăng đột biến mà nếu có tăng thì cũng từ từ, vì thế chúng ta tương đối chủ động trong tính toán cung cầu và tìm kiếm thị trường.

Tình trạng ách tắc hàng nông sản tại một số cửa khẩu xảy ra với những mặt hàng nông nghiệp không có quy hoạch hoặc có thì rất lỏng lẻo. Về dưa hấu, hiện chưa có quy hoạch diện tích trồng dưa hấu trên cả nước. Việc trồng tự phát không ai kiểm tra, không ai quy định, tính toán đưa vào quy hoạch đã dẫn đến sản lượng dưa hấu tăng đột biến.

- Có thực trạng này có phải do chúng ta làm chưa tốt khâu thị trường. Trách nhiệm chính ở đây thuộc về ai?

- Chúng ta trồng dưa hấu nhằm tiêu thụ trong nước là chủ yếu. Năm 2014, chúng ta có hơn 1 triệu tấn dưa hấu thì 700.000 tấn tiêu thụ trong nước, còn lại bán sang Trung Quốc. Không phải Trung Quốc hạn chế nhập khẩu dưa hấu từ Việt Nam mà ở đây có 2 vấn đề.

Thứ nhất là do chất lượng, mẫu mã, kích cỡ sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn, không ít trường hợp thương lái của ta thu mua dưa hấu trong dân mang lên đây không có hợp đồng, không chọn lọc kỹ càng, buộc phía nước bạn phải chọn khắt khe.

Thứ hai, khu vực tập kết xe tải chở hàng làm các thủ tục thông quan ở cửa khẩu của Trung Quốc rất chật chội, chỉ chứa được khoảng 350-400 xe/ngày. Song có những lúc có đến 1.000 xe tải chở dưa hấu của Việt Nam nên dẫn đến ùn tắc.

Về trách nhiệm, tiêu thụ nông sản có rất nhiều cơ quan cùng tham gia vào chứ không chỉ ngành thương mại. Đầu tiên phải là quy hoạch, sản xuất, sau đó mới đến tiêu thụ. Phải thẳng thắn thừa nhận, thời gian vừa qua, tiêu thụ sản phẩm còn khá nhiều vấn đề.

Cơ quan Nhà nước phụ trách lĩnh vực phải có hướng dẫn cụ thể cho người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì để tiêu thụ được, kể cả trong nước lẫn xuất khẩu. Do vậy, vấn đề hết sức quan trọng là phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu quy hoạch, hướng dẫn người nông dân, tìm kiếm thị trường. Thời gian qua, việc phối hợp làm chưa tốt.

Chúng ta không thể trách người nông dân được. Có trách là trách các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó ngành Công Thương cũng có trách nhiệm chưa hoàn thành tốt việc tham mưu cho Chính phủ. Dù vậy, chúng tôi cũng rất mong người nông dân cần chủ động hơn, coi trọng những hướng dẫn, tư vấn của các cơ quan quản lý Nhà nước, đừng chạy theo mong muốn chủ quan của mình.

- Theo Bộ trưởng, giải pháp nào để giải quyết được tình trạng nông sản ùn ứ?

- Đầu tiên, chính quyền địa phương và các bộ, ngành liên quan phải làm tốt công tác thông tin cho người nông dân; phải vận động, kết nối người nông dân với thương lái, với các doanh nghiệp tiêu thụ, các trung tâm thương mại, siêu thị… Vì chúng ta vẫn tiêu thụ dưa hấu trong nước là chính nên nếu tiêu thụ trong nước tốt thì chắc chắn không xảy ra vấn đề này.

Chúng tôi cũng đã bàn với một số địa phương mở rộng và xây dựng thêm khu tập kết chờ thông quan hàng hóa để trong trường hợp hàng hóa quá nhiều, sẽ có chỗ chứa, bảo quản và chọn lọc.

ĐBQH Trần Du Lịch:
Khó giải quyết nếu giải pháp vẫn chung chung


"Câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa đã đặt ra từ nhiều năm nhưng vừa rồi vẫn nổi lên. Rõ ràng, chúng ta cần phải có giải pháp căn cơ. Báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ có nêu các giải pháp nhưng tôi thấy cần cụ thể hơn. Ví dụ, ngành nông nghiệp cần phải làm gì từ nay đến cuối năm, trong công nghiệp hỗ trợ có giải pháp gì… Nếu cứ chung chung thì câu chuyện này chưa biết bao giờ mới giải quyết được".

ĐBQH Trần Hoàng Ngân:
Phải xác định nông nghiệp là số 1


"Cần phải hiện đại hóa, công nghiệp hóa nền nông nghiệp theo ưu tiên số 1. Chúng ta cần tập trung đầu tư cả về con người, bộ máy chỉ đạo. Khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, lợi thế của chúng ta đã được xác định là nông nghiệp. Ngay cả việc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp đi đến hồi kết thì lợi thế nông nghiệp của chúng ta vẫn là lớn nhất. Tuy nhiên, nếu nông nghiệp Việt Nam không giải quyết được khó khăn thì khi gia nhập TPP, nông sản của Việt Nam có thể bị hàng nước ngoài lấn át".