Bỏ dấu doanh nghiệp: Sẽ tăng nguy cơ lừa đảo?

“Trong giao dịch hiện nay, người ta thường tin tưởng nhau là chính. Nhiều khi chỉ cần qua email là đã gửi hàng rồi, và chuyển tiền qua ngân hàng thì có sự đảm bảo hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết.

Dự thảo luật kinh doanh sửa đổi lần này quy định doanh nghiệp có quyền tự quyết định nội dung, hình thức của con dấu và chỉ cần đăng ký với cơ quan quản lý. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương có một số quan điểm về vấn đề này.

Xin ông cho biết về những thay đổi trong việc quản lý con dấu doanh nghiệp trong dự thảo luật kinh doanh sửa đổi?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi cách thức quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp tự chủ khắc con dấu và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Việc khắc dấu này trở nên không phải là việc quản lý của nhà nước, không bắt buộc đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tự chủ trong việc lựa chọn hình thức, nội dung, màu sắc, hình dáng của con dấu. Như thế, tính tự chủ và tự do của doanh nghiệp sẽ linh hoạt hơn, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tại sao lại cần có thay đổi này, thưa ông?

Thực ra yêu cầu về thay đổi con dấu như thế này đã có nhiều năm nay rồi chứ không phải bây giờ vì những phiền hà, rắc rối, chi phí mà con dấu tạo ra. Lần thay đổi này có thể bắt nguồn từ nhu cầu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ở Việt Nam, nhu cầu này đã trở nên bức bách.

Theo ông, thay đổi này sẽ có tác dụng như thế nào?

Xét về năng lực cạnh tranh quốc gia, hiện thủ tục khắc dấu của Việt Nam chiếm khoảng 20% trong số thủ tục cũng như chi phí gia nhập thị trường. Nếu Việt Nam thực hiện cải cách này thì chỉ số gia nhập thị trường sẽ được nâng lên rất nhiều bậc, từ hiện nay là 109 có khả năng lên thứ 40, tức là lên tới gần 70 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về năng lực cạnh tranh và mức độ thuận lợi hóa trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những thay đổi này không chỉ là cải cách bình thường mà có thể nói là thay đổi về tư duy trong quản lý nhà nước.

Bỏ dấu doanh nghiệp: Sẽ tăng nguy cơ lừa đảo? - 1

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương 

Có nên bỏ con dấu doanh nghiệp ngay lập tức?

Sự thay đổi này lúc đầu cũng có thể gây ra một số khó khăn, trục trặc về mặt thực hiện vì lâu nay đâu đâu cũng có thói quen dùng con dấu. Trước tiên nên cho phép doanh nghiệp tự quyết định hình thức con dấu, sau đó mới tiến tới bỏ hẳn giá trị pháp lý của con dấu. Doanh nghiệp có thể có 3 - 5 con dấu, hình thức con dấu cũng sẽ thay đổi. Tôi cho đó là 1 hình thức quá độ để tiến tới bỏ con dấu, như đa số các nước đã thực hiện.

Liệu bỏ hẳn con dấu có tăng nguy cơ rủi ro bị lừa đảo không khi chữ ký dễ giả mạo hơn con dấu?

Trước hết ta nhìn xu hướng của thế giới. Những nước nguồn gốc của con dấu là Anh và Pháp đã bỏ lâu rồi. Một trong những lý do sử dụng con dấu đầu tiên là tạo ra tính an toàn trong giao dịch nhưng nó dần mất đi giá trị đó.

Tuy nhiên, tùy điều kiện cụ thể, chúng ta hiện nay không bỏ luôn mà chỉ thay đổi là việc này là của doanh nghiệp chứ không phải của cơ quan nhà nước.

Như thế, nếu vì yêu cầu an toàn, chống làm giả thì tôi tin rằng doanh nghiệp họ lo lắng nhiều hơn, khách hàng lo lắng nhiều hơn so với cơ quan quản lý nhà nước. Và như thế, họ sẽ thiết kế ra được những con dấu hiện đại hơn, khó bắt chước hơn. Tuy nhiên, đó là giao dịch truyền thống. Còn giao dịch hiện nay, thường tin tưởng nhau là chính, nhiều khi chỉ cần qua email là người ta đã gửi hàng rồi, và chuyển tiền qua ngân hàng thì có sự đảm bảo hơn. Hiện nay có nhiều công cụ khác thay thế để đảm bảo an toàn cho giao dịch.

Cộng đồng doanh nghiệp đón nhận cải cách này như thế nào, thưa ông?

Theo điều tra sơ bộ của Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam, tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp hưởng ứng và đồng tình thay đổi này.

Xin cảm ơn ông!