Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, trước 7h sáng, lực lượng Công an đã đưa bị cáo Kiên và đồng phạm tới trụ sở TAND Tối cao ở phố Đội Cấn để phục vụ công tác xét xử. Xuất hiện tại phiên xử, bị cáo Kiên vẫn giữ thái độ vui vẻ.
Kiên cũng là bị cáo duy nhất trong số 6 bị cáo mang theo bên mình tập hồ sơ dày và chăm chú nghiên cứu trước vành móng ngựa trong thời gian hơn một tiếng đồng hồ HĐXX làm thủ tục kiểm tra căn cước các bị cáo, cũng như những người tham dự phiên tòa với tư cách tham gia tố tụng.
Có mặt tại phiên xử phúc thẩm còn có nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Gần 8h, bà Đặng Ngọc Lan (vợ bị cáo Kiên), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B mới có mặt tại cổng TAND Tối cao trên chiếc ô tô BMW sang trọng. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, Hà Nội và ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, Hà Nội cũng có mặt tại phiên xử với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án này.Được HĐXX hỏi trong phần thủ tục, bị cáo Kiên đề nghị triệu tập đại diện Bộ Tư pháp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan đến vụ án này. Một số luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo cũng đề nghị HĐXX triệu tập bổ sung một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án tới phiên tòa để làm rõ thêm lời khai trong quá trình thẩm vấn.
Sau khoảng hơn 30 phút tuyên bố tạm dừng phiên xử để hội ý, HĐXX tiếp tục làm việc. Vị Chủ tọa phiên tòa thông báo, tài liệu trong hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ lời khai của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên trước khi phiên tòa này diễn ra, Tòa án cũng đã triệu tập những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Do một số người đang mắc bệnh nặng, một số người có lý do chính đáng nên không thể có mặt tại phiên xử ngày hôm nay. Vậy nên trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết thì HĐXX sẽ triệu tập thêm người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Theo bản án sơ thẩm, năm 1993, Nguyễn Đức Kiên là cổ đông góp vốn lớn của Ngân hàng ACB và sau đó đã giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng này từ năm 1994 đến năm 2008. Sau đó Kiên đã rút tên khỏi HĐQT Ngân hàng ACB. Nhưng để tiếp tục duy trì sự ảnh hưởng, có quyền chỉ đạo điều hành hoạt động kinh doanh tại Ngân hàng ACB, trước khi rút khỏi HĐQT, Kiên đã đề nghị HĐQT ngân hàng này ra nghị quyết thành lập và phê chuẩn quy chế làm việc Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB do Kiên làm Phó Chủ tịch. Nhưng trên thực tế, Hội đồng sáng lập không được pháp luật thừa nhận.
Sau khi rút tên khỏi HĐQT Ngân hàng ACB, Kiên đã thành lập 5 công ty, trong đó Kiên làm Chủ tịch HĐQT của 4 Công ty B & B, AFG, ACBI, ACI và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty ACI-HN. Dù các công ty do Kiên thành lập không được Nhà nước cấp phép kinh doanh tài chính, nhưng Kiên đã chỉ đạo 5 công ty trên sử dụng hơn 9.700 tỷ đồng từ vốn điều lệ, tiền huy động và tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu bán cho các ngân hàng.
Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng đã chỉ đạo Ngân hàng ACB cấp cho Công ty ACBS 1.500 tỷ đồng cùng vốn tự có, Công ty ACBS đã chuyển cho các Công ty ACI, ACI-HN tổng số tiền hơn 1.557 tỷ đồng để đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB, đến nay mới thu về hơn 364 tỷ tiền gốc… gây thiệt hại hơn 614 tỷ đồng (tính theo đơn giá cổ phiếu lúc mua) và thiệt hại hơn 879 tỷ đồng. Việc Ngân hàng ACB chuyển 1.500 tỷ đồng lòng vòng qua các ngân hàng để mua trái phiếu do các công ty phát hành qua đó mua lại chính cổ phiếu ACB cũng gây thiệt hại cho ngân hàng ACB hơn 74 tỷ đồng. Chỉ riêng vốn điều lệ của Công ty B & B do Kiên, vợ và em gái góp vốn đã lên tới gần 1.500 tỷ đồng nhưng Kiên và đồng phạm vẫn thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 246 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát.
Để bảo vệ lợi ích của nhóm cổ đông Ngân hàng ACB, Kiên đã đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác, cấp tín dụng sai quy định, thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông Ngân hàng ACB hơn 256 tỷ đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 1.407 tỷ đồng. Việc Kiên chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Ngân hàng Vietinbank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB gần 719 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng làm rõ hành vi trốn thuế với số tiền hơn 25 tỷ đồng của Kiên trong vụ kinh doanh vàng giữa Công ty B & B và Ngân hàng ACB thu lãi được hơn 100 tỷ đồng.
Sau khi thông báo tóm tắt nội dung bản án sơ thẩm, 16h, HĐXX đã tách ly bị cáo Nguyễn Đức Kiên ra khỏi phòng xử án để tiến hành thẩm vấn các bị cáo khác. Nhưng trong khi HĐXX đang tóm tắt nội dung án sơ thẩm thì bị án Trần Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư CAB Hà Nội đã bị ngất xỉu tại phòng xử án và đã được cơ quan y tế đưa đưa cấp cứu. Việc xét xử vẫn diễn ra ngay sau đó. Sau hai ngày nghỉ cuối tuần, sáng 1/12, phiên xử tiếp tục.
6 bị cáo kháng cáo sẽ được đưa ra xét xử lần này gồm: Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB); Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB; Trịnh Kim Quang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên Thành viên HĐQT Ngân hàng ACB. |