Bất động sản: Tăng vốn để đón sóng mới

Cứ đến hẹn lại lên, mỗi khi mùa đại hội cổ đông đến, nhà đầu tư lại chứng kiến những thông tin, chiến lược đáng chú ý của doanh nghiệp. Năm nay, điểm nóng của mùa đại hội có lẽ là thông tin về việc tăng vốn của các doanh nghiệp bất động sản.

Nổi bật nhất có lẽ là trường hợp tăng vốn của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông 2015, FLC sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành 465 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 3.749 tỉ đồng lên 8.398 tỉ đồng.

Trước đó, trong đợt roadshow để giới thiệu với nhà đầu tư, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, cho biết việc FLC tăng vốn mạnh là để tài trợ vốn cho nhiều dự án lớn mà Tập đoàn đang và sắp triển khai như Khu Đô thị sinh thái FLC Sầm Sơn, dự án đầu tư xây dựng Khu hành chính tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BT (giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng)...

Hồi đầu năm 2015, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc phát hành 65,1 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn vào quý II/2015.

Theo kế hoạch, sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Phát Đạt sẽ tăng từ 1.302 tỉ đồng lên 2.018 tỉ đồng.

“Công ty sẽ tập trung đầu tư và phát triển các dự án căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ, có diện tích trung bình dưới 10.000 m2, tọa lạc tại các vị trí đắc địa ở trung tâm TP.HCM… Ngoài ra, Công ty sẽ dành riêng tiền từ đợt huy động này cho việc săn tìm cơ hội trong năm 2015”, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Phát Đạt, nói về kế hoạch sử dụng nguồn vốn huy động sắp tới.

Trước đó, vào cuối năm 2014 Phát Đạt đã mua lại dự án tại địa chỉ số 290 đường An Dương Vương (quận 5, TP.HCM) từ Công ty Cổ phần Đức Khải. Trên khu đất này, Phát Đạt sẽ phát triển dòng căn hộ cao cấp với thương hiệu The EverRich với tổng chi phí đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng. Theo dự kiến, dự án sẽ được đưa ra thị trường vào quý II/2015.

Không chỉ FLC, Phát Đạt mà một số công ty khác như An Dương Thảo Điền, Sacomreal cũng chuẩn bị kế hoạch tăng vốn để gia tăng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2015. Cổ đông An Dương Thảo Điền, chẳng hạn, đã thông qua phương án phát hành 54,59 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc đối tác nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.092 tỉ đồng. Theo dự kiến, Công ty sẽ phát hành tăng vốn vào quý I-II/2015.

Trong khi các doanh nghiệp niêm yết trên sàn lựa chọn phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn nhằm triển khai các dự án thì những doanh nghiệp chưa niêm yết lại bắt tay với các đối tác để gia tăng tiềm lực. Trường hợp của Sơn Kim Land có thể là một ví dụ.

Đầu tháng 2 vừa qua, Sơn Kim Land đã ký kết thỏa thuận liên doanh với tập đoàn đến từ Anh Quốc Hamon để phát triển dự án bất động sản tại TP.HCM. Theo thỏa thuận ký kết, hai doanh nghiệp này sẽ cùng hợp tác để phát triển dự án căn hộ cao cấp Gateway Thảo Điền tại quận 2.

Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Sơn Kim Land, dự án Gateway Thảo Điền có vốn đầu tư hơn 100 triệu USD. Tuy không tiết lộ cụ thể tỉ lệ vốn góp trong dự án, nhưng hai nhà đầu tư đều cho biết tỉ lệ góp vốn đầu tư của hai bên không chênh lệch nhau nhiều.

Một doanh nghiệp bất động sản khác là Nam Long cũng cho biết sắp tới sẽ hợp tác với Hankyu Reality và Nippon Railroad (Nhật) để phát triển dự án Flora Anh Đào (quận 9). Căn hộ Flora Anh Đào được thay đổi tên từ căn hộ Ehome 6. Theo Nam Long, dự án này sẽ được mở bán vào tháng 4.2015. Công trình sẽ được hoàn thành và bàn giao nhà vào quý II/2016.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư. Do đó, việc tăng vốn để tạo lợi thế cạnh tranh, phục vụ cho giai đoạn tăng tốc đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc tăng vốn mạnh của doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là huy động vốn qua sàn chứng khoán, là vấn đề đang gây nhiều lo ngại.

Theo Bộ Tài chính, việc huy động vốn lớn qua sàn chứng khoán sẽ dẫn đến làm thay đổi cơ cấu kiểm soát doanh nghiệp ngoài sự nhận biết của cổ đông hiện hữu, đồng thời, tăng vốn lớn trong thời gian ngắn có thể làm phát sinh rủi ro đối với doanh nghiệp, cổ đông do trình độ quản lý, quản trị không theo kịp quy mô.

Nam Long là doanh nghiệp cũng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng bên cạnh tìm vốn bằng việc phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp này cũng thường tìm cách huy động vốn cho những dự án riêng lẻ.

So sánh về hai hình thức huy động vốn này, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Nam Long, cho biết so với phương án tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu thì việc gọi vốn từ các nhà đầu tư vào dự án có nhiều cái lợi hơn. Nó không chỉ giúp bảo đảm được nguồn vốn rẻ, mà doanh nghiệp còn có thể phát huy được thế mạnh về kinh nghiệm quản lý phát triển dự án từ các đối tác. Còn việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn chỉ có cái được về tài chính, trong khi lại giảm giá trị cho nhà đầu tư do cổ phiếu bị pha loãng.

Việc huy động này cũng đem lại áp lực cho chính doanh nghiệp là làm sao phải duy trì kết quả kinh doanh tương ứng với phần vốn tăng lên như đảm bảo các chỉ tiêu cao hơn về doanh thu, lợi nhuận, cổ tức.