Năm 2013, doanh số bao thanh toán (BTT) trên toàn cầu đã đạt 2.231 tỷ EUR, tăng gần 5% so với năm 2012, đặc biệt tỷ lệ tăng trưởng khá cao hơn 18% ở hoạt động bao thanh toán xuất khẩu. Con số hiện tại có khoảng cách khá xa so với doanh số năm 2003 là 712 tỷ EUR và tiếp tục gia tăng về quy mô ở những quốc gia phát triển.
Thanh toán theo phương thức bao thanh toán đang dần thay thế cho các phương thức khác, điều này khá rõ thông qua sự tăng trưởng doanh số ngoạn mục của hoạt động BTT ở từng châu lục, mà đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ. Các bên tham gia giao dịch ngày càng nhận ra những lợi ích đáng kể mà dịch vụ này mang lại cho họ, kể cả trong thanh toán nội địa lẫn quốc tế.
Tại khu vực Châu Á, bao thanh toán phát triển mạnh ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc (378 tỷ EUR), Đài Loan (73 tỷ EUR), Hồng Kông (32 tỷ EUR), Hàn Quốc (12.3 tỷ EUR), Singapore (10 tỷ EUR)…Quy mô, số lượng hợp đồng BTT và các tổ chức tài chính tham gia ở những quốc gia và vùng lãnh thổ trên đã cho thấy mức độ phổ biến sử dụng BTT trong hoạt động thanh toán của nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, doanh số BTT năm 2013 chỉ dừng lại ở 100 triệu EUR và chưa được áp dụng rộng rãi tại các ngân hàng thương mại, đồng thời số lượng doanh nghiệp hiểu về BTT chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với xu thế hội nhập, bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam, hoặc phải cạnh tranh trực tiếp các sản phẩm – dịch vụ từ các công ty đa quốc gia, hoặc trở thành chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Cho dù theo cách thức nào, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tiếp cận những phương thức thanh toán, phương thức tài trợ phù hợp với sự phát triển của tài chính quốc tế - một trong số đó là hoạt động bao thanh toán.
Bao thanh toán là gì?
Theo Tổ chức Bao thanh toán quốc tế - FCI (Factors Chain International), bao thanh toán là một dịch vụ tài chính trọn gói bao gồm sự kết hợp giữa tài trợ vốn hoạt động, phòng ngừa rủi ro tín dụng, theo dõi các khoản phải thu và dịch vụ thu hộ. Đó là sự thỏa thuận giữa đơn vị bao thanh toán (factor) và người cung ứng hàng hóa dịch vụ (seller – người bán hàng hóa dịch vụ trong quan hệ mua bán hàng hóa). Theo như thỏa thuận đơn vị bao thanh toán sẽ mua lại khoản phải thu của người bán dựa trên khả năng trả nợ của người mua trong quan hệ mua bán hàng hóa (buyer). Và có hai dạng bao thanh toán: bao thanh toán xuất khẩu và bao thanh toán nội địa.
Còn theo luật TCTD Việt Nam 2010, BTT là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng thông qua việc mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
Như vậy, định nghĩa BBT này chỉ mới dừng lại nghiệp vụ tín dụng tài trợ vốn lưu động bằng cách mua lại các khoản phải thu, mà bỏ qua ý nghĩa, BTT là một dịch vụ tài chính hỗn hợp từ hoạt động thanh toán, tín dụng, quản lý nợ và bảo hiểm. Quan niệm đấy không thống nhất với quan niệm được thừa nhận về BTT trên thế giới, và đồng thời làm cho hoạt động BTT trở nên kém hấp dẫn khi triển khai thành một sản phẩm – dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam.
Lợi ích của hoạt động bao thanh toán
Tất cả các quốc gia phát triển trên thế giới đều có doanh số BTT rất lớn, trong đó, hoạt động BTT nội địa luôn chiếm hơn 70% trong tổng doanh thu. Điều này cho thấy rất nhiều lợi ích của BTT đem lại, từ hoạt động thanh toán giữa hai doanh nghiệp đến tín dụng, quản lý nợ và bảo hiểm. Đơn cử, quan hệ mua bán được phát sinh giữa hai doanh nghiệp, nhưng để quan hệ đó hình thành niềm tin thì đòi hỏi thời gian lâu dài. Và khi tham gia hoạt động BTT, hai doanh nghiệp mua và bán sẽ trở nên tin cậy hơn với sự cung ứng dịch vụ tài chính của hai ngân hàng BTT bên mua và bên bán.
Đối với bên bán hàng, hoạt động BTT sẽ giúp tập trung quản lý tài khoản thanh toán một cách chuyên nghiệp tại ngân hàng BTT. Đồng thời, quy về một mối tất cả các khoản phải thu tại chính ngân hàng đó và được ngân hàng kiểm chứng chất lượng các khoản phải thu nhằm tránh nhiều rủi ro không thu hồi được nợ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chủ động được dòng ngân lưu cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh từ việc bán lại các khoản phải thu, mà không phụ thuộc tài sản bảo đảm là bất động sản.
Đối với bên mua hàng, ngân hàng BTT sẽ đảm bảo uy tín cho bên bán hàng về độ tin cậy của hoạt động thanh toán và tín dụng. Do đó, bên mua hàng có nhiều cơ hội được mua hàng, nhận hàng nhưng chậm thanh toán. Khi đến hạn thanh toán, ngân hàng BTT sẽ tài trợ vốn lưu động để thanh toán các khoản phải trả đến hạn. Mặt khác, hoạt động BTT nhập khẩu còn giúp cho doanh nghiệp không cần đến phương thức thanh toán L/C, T/T, D/P…mà chỉ cần thông qua ngân hàng BTT (thuộc tổ chức BTT quốc tế) để thực hiện thanh toán và tài trợ vốn, đầy linh hoạt lẫn thuận tiện.
Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ BTT, thông qua hoạt động BTT, các tổ chức này sẽ thực hiện một dịch vụ hỗn hợp từ thanh toán, tín dụng, quản lý nợ và bảo hiểm. Nên họ không những có lợi ích từ lãi suất mà còn có phí. Như trong giao dịch BTT quốc tế, lợi ích các tổ chức cung ứng dịch vụ BTT có được gồm: phí BTT 0,5 – 1,1% giá trị khoản phải thu; phí quản lý sổ sách, chứng từ liên quan đến khoản phải thu 0,3% - 0,9% giá trị hóa đơn; và lãi suất BTT khi mua lại có kỳ hạn các khoản phải thu. Ngoài ra, ngân hàng BTT còn quản lý tập trung mọi hoạt động tài chính của khách hàng, điều này sẽ giúp giữ chân khách hàng tốt hơn và gia tăng được hoạt động bán chéo các sản phẩm tài chính khác.
Đối với nền kinh tế, BTT sẽ thúc đẩy hoạt động mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp với độ tin cậy cao, kể cả trong nước lẫn xuất khẩu. Bên cạnh đó, BTT còn bổ sung một phương thức thanh toán đầy tiện lợi và nhanh chóng với sự tài trợ tài chính từ chính tổ chức cung ứng dịch vụ. Một khi hoạt động bao thanh toán được ưu tiên phát triển sẽ tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, ở đó người bán – người mua an tâm khi giao dịch thanh toán và được tư vấn đầy đủ nhất về hoạt động tài chính.
Giải pháp nào thúc đẩy hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam phát triển?
Nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển đều ưa chuộng phương thức BTT trong thanh toán và tài trợ vốn lưu động. Cụ thể, ở Châu Âu, doanh số BTT chiếm hơn 61% tổng doanh số BTT toàn cầu như Anh (308 tỷ EUR), Ý (178 tỷ EUR), Pháp (200 tỷ EUR), Đức (171 tỷ EUR)…; ở Châu Mỹ chiếm hơn 9% như Mỹ (83 tỷ EUR), Brazil (31 tỷ EUR), Mexico (28 tỷ EUR)…; và ở Châu Á chiếm 27% như Trung quốc (378 tỷ EUR), Đài loan (73 tỷ EUR), Hồng Kông (32 tỷ EUR), Hàn Quốc (12.3 tỷ EUR), Singapore (10 tỷ EUR)...
Do đó, khi một doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận và xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia trên đòi hỏi phải ý thức rõ tầm quan trọng của hoạt động BTT nhằm đồng bộ hóa cách thức thanh toán và gia tăng tỷ lệ chấp nhận đơn hàng từ nhà nhập khẩu.
Với ý nghĩa trên, năm 2004, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức ban hành Quy chế hoạt động BTT theo QĐ 1096/2004/QĐ – NHNN ngày 06/09/2004. Đây là cơ sở pháp lý để hoạt động BTT được các ngân hàng thương mại triển khai. Nhưng cho đến nay, hoạt động BTT chỉ mới được cung ứng chính thức bởi 8 đơn vị và trong đó có 2 đơn vị là thành viên chính thức của Tổ chức Bao thanh toán quốc tế (FCI).
Về doanh số, sau 10 năm triển khai, doanh thu BTT chỉ đạt 100 triệu EUR, một con số còn khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, một thực trạng đáng kể, hoạt động BTT trên thế giới luôn có doanh số cao ở lĩnh vực BTT nội địa (chiếm từ 70 – 80% tổng doanh số BTT). Điều này chứng tỏ, hoạt động mua bán hàng hóa – dịch vụ ở quốc gia đó rất sôi nổi và tin cậy lẫn nhau. Còn tại Việt Nam, doanh số BTT xuất khẩu lại chiếm hơn 80%, còn BTT nội địa chiếm 20%. Vậy phải chăng, doanh số BTT nội địa càng cao thì tương quan càng lớn với mức độ sản xuất và lưu thông hàng hóa – dịch vụ của doanh nghiệp?
Lợi ích từ BTT là không thể phủ nhận, nhưng tại sao đến bây giờ hoạt động này vẫn chưa được phát triển ở Việt Nam? Có thể khẳng định, phần lớn nguyên nhân đến từ nhận thức của ngân hàng thương mại về tầm quan trọng của hoạt động BTT. Bởi BTT tại Việt Nam chỉ được hiểu đơn thuần là một hoạt động cấp tín dụng, nên rủi ro từ mua lại các khoản phải thu sẽ cao hơn so với các tài sản bảo đảm thông thường. Ngoài ra, sự hạn chế về kiến thức bao thanh toán cũng khiến nhiều ngân hàng ít mặn mà triển khai và tâm lý e dè sợ thất bại khi thực hiện một dịch vụ tài chính mới…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn phụ thuộc nhiều vào phương thức thanh toán L/C, T/T, D/P…mà quên mất rằng, các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đều ưa thích trả chậm và từ chối yêu cầu mở thư tín dụng (bởi thư tín dụng chỉ được mở khi hai bên không tin nhau). Đã tới lúc, BTT được trả lại vai trò quan trọng vốn có của nó ở Việt Nam. Đã tới lúc, mức độ cạnh tranh trong giao thương toàn cầu, sẽ khẳng định ngân hàng nào không triển khai BTT là một điều bất lợi và thua thiệt trong năng lực cạnh tranh.
Vậy, giải pháp nào thúc đẩy hoạt động BTT phát triển ở Việt Nam?
Một là, NHNN phải hoàn thiện quy chế hoạt động BTT, theo đó, phải thay đổi nhận thức về BTT không chỉ là một hình thức cấp tín dụng. Bởi thông lệ quốc tế, hoạt động BTT là một dịch vụ tài chính trọn gói bao gồm sự kết hợp giữa tài trợ vốn hoạt động, phòng ngừa rủi ro tín dụng, theo dõi các khoản phải thu và dịch vụ thu hộ;
Hai là, NHNN cần sớm ban hành quy chế hoạt động của các công ty tài chính chuyên ngành, trong đó có hình thức công ty tài chính bao thanh toán. Đây sẽ là một tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính chuyên biệt và là chủ thể cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng thương mại;
Ba là, các ngân hàng thương mại nhanh chóng tham gia Tổ chức Bao thanh toán quốc tế (FCI) và kết nối với các tổ chức cung ứng dịch vụ BTT thuộc tổ chức để trao đổi cơ sở dữ liệu khách hàng lẫn nhau;
Bốn là, ngân hàng thương mại cần thiết kế dịch vụ BTT phù hợp từng loại hình doanh nghiệp và đẩy mạnh hoạt động marketing đến các doanh nghiệp tiềm năng;
Năm là, tiếp cận các doanh nghiệp Việt Nam thông qua đội ngũ Sales và cung cấp đầy đủ nhất những lợi ích đem lại từ dịch vụ BTT cho doanh nghiệp trong thanh toán nội địa lẫn xuất khẩu;
Sáu là, khi triển khai, các ngân hàng chú trọng hơn nữa đến hệ thống công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho việc tổng hợp, quản lý, phân tích, đánh giá và đo lường các rủi ro…
“Không có lĩnh vực kinh doanh nào mà không rủi ro, nhưng nắm bắt được xu hướng và có hệ thống kiểm soát rủi ro tốt thì dịch vụ bao thanh toán sẽ đem lại tỷ suất sinh lời cao mà ít nợ xấu nhất so với các hình thức tín dụng thông thường. Công ty tài chính Rosenthal & rosenthal (một công ty tài chính bao thanh toán của Mỹ) luôn có tỷ lệ nợ xấu dưới 0.7% kể từ khi thành lập “ – chủ tịch của công ty Rosenthal & rosenthel khẳng định ở khóa đào tạo Tài trợ vốn có tài sản đảm là động sản tại TPHCM. Vậy, có phải bao thanh toán sẽ là dịch vụ đầy tiềm năng tiếp theo trong danh mục sản phẩm – dịch vụ của một ngân hàng thương mại ở Việt Nam?
Ths. Châu Đình Linh