ACV tiền thân là Tổng cục hàng không dân dụng Việt Nam, được thành lập vào năm 1976.
Đến năm 2012, TCT Cảng hàng không Việt nam (ACV) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 TCT: TCT cảng hàng không Miền Bắc, TCT cảng hàng không Miền Nam, TCT cảng hàng không miền Trung mà trước đó là các cụm cảng hàng không sân bay miền Bắc, miền Trung, miền Nam thuộc Tổng cục hàng không dân dụng.
Vốn điều lệ của ACV tăng nhanh trong 4 năm gần đây từ 5.833 tỷ đồng năm 2011 lên 11.132 tỷ đồng năm 2011 và dự kiến sẽ tăng lên 22.431 tỷ đồng sau cổ phần hóa (VĐL trước cổ phần hóa là 20.769 tỷ đồng và huy động 1.662 tỷ đồng từ việc phát hành thêm trước khi bán vốn nhà nước).
TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có hoạt động chủ đạo là cung cấp các dịch vụ hàng không, bao gồm dịch vụ phục vụ hành khách, dịch vụ cất, hạ cánh, dịch vụ mặt đất, dịch vụ soi chiếu an ninh hàng không. Các dịch vụ này tăng trưởng theo tỷ lệ thuận với số lượng hành khách qua cảng hàng không và số lượt hạ, cất cánh của hãng hàng không.
KQKD tăng trưởng cao trong giai đoạn 2012-2014 nhờ số lượng hành khách tăng trong khi chi phí cố định chiếm tỷ trọng lớn và công ty có được nguồn thu tài chính dồi dào từ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá.
Thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao - Công suất phục vụ được mở rộng
Theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, Việt Nam đứng trong nhóm 10 thị trường hàng không có số lượng hành khách tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2015-2034, khoảng 7,3%. Đồng thời IATA cũng dự báo Việt Nam sẽ là 1 trong 10 thị trường hàng nội địa lớn nhất trên thế giới tới năm 2034 (tốc độ tăng trung bình 6,2%/năm).
Dự báo này thậm chí còn thấp hơn so với quy hoạch phát triển ngành hàng không của cục Hàng không Việt Nam khi đặt ra mục tiêu về số lượng hành khách qua các cảng hàng không của Việt Nam có thể đạt 66 triệu lượt vào năm 2015, tăng 15% hàng năm trong giai đoạn 2010-2015.
Số lượng khách được ước tính sẽ tăng khoảng 2 lần trong 5 năm tiếp theo đến 2020 và tăng 2 lần từ 2020 đến 2030. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế Việt Nam dẫn tới tăng nhu cầu đi lại và khả năng chi trả của người dân; sự tự do hóa trong chính sách vân tải hàng không sau khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại thế giới; sự phát triển nhanh chóng của phân khúc hàng không giá rẻ.
Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của số lượng hành khách qua cảng hàng không, công suất thiết kế của hệ thống cảng hàng không trên cả nước kế hoạch sẽ tăng lên 90 triệu hành khách trong năm 2020 và mở rộng lên khoảng 115 triệu hành khách tới năm 2030. Với tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, hiện tại cảng hàng không này đã được điều chỉnh quy hoạch để nâng công suất lên 25 triệu hành khách/năm tới năm 2020.
Đồng thời, để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, ACV sẽ thực hiện đầu tư dự án sân bay Long Thành với giai đoạn 1 hoàn thành vào năm 2025, công suất thiết kế 25 triệu hành khách và giai đoạn 2, 3 sẽ tiếp tục được triển khai sau đó và khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất lên 100 triệu hành khách/năm.
KQKD được cải thiện sau cổ phần hóa
ACV đã thực hiện tăng giá một số dịch vụ hàng không từ cuối năm 2014, được thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh của EBITDA trong 6 tháng đầu năm 2015. Đồng thời, chi phí khấu hao sẽ giảm khi ACV quay trở lại tốc độ khấu hao bình thường đối với tài sản cố định sau CPH. Như vậy, biên lợi nhuận của hoạt động cốt lõi của ACV được kỳ vọng sẽ được cải thiện mạnh trong thời gian tới.
Giá trị 1 cổ phần ACV vào khoảng 18.200 đồng
Do ACV có lượng tài sản hữu hình lớn với chi phí khấu hao cao hàng năm và vay nợ nhiều, VCBS định giá ACV theo phương pháp so sánh tương đối sử dụng mức bội EV/EVBITDA với đối tượng so sánh là các công ty khai thác cảng hàng không trên thế giới.
Do mức trung bình và trung vị tương đương nhau, VCBS cho rằng trung bình EV/EBITDA tính toán phần nào phản ánh trung thực mức bội EV/EBITDA của ngành và lấy mức trung bình EV/EBITDA 12,27 lần để tham chiếu. Theo đó, giá trị 1 cổ phần ACV vào khoảng 18.200 đồng.