7 năm liên tiếp nhập siêu xăng dầu: Giá dầu giảm mạnh ảnh hưởng không đáng kể đến Việt Nam?

(NDH) Sẽ là một điều đáng buồn cho ngân sách của Việt Nam khi giá dầu thô liên tục giảm gây ảnh hưởng đến nguồn thu, nhưng nếu biết rằng Việt Nam vẫn là một quốc gia 7 năm liên tiếp nhập siêu xăng dầu thì việc giá dầu giảm mạnh lại là một tín hiệu đáng mừng.

Hoạt động khai thác dầu thô vẫn có lãi

Theo một tính toán mới đây, nếu giá dầu thô giảm 1 USD/thùng, ngân sách Việt Nam sẽ hụt thu khoảng 1.000-1.200 tỷ đồng.

Như vậy, con số thiệt hại có thể sẽ ở mức khổng lồ khi giá dầu đã giảm gần 50% trong chưa đầy 6 tháng qua.

Số liệu từ hãng tin Bloomberg cho thấy giá dầu Brent – loại dầu thô chủ chốt của thế giới – khép lại phiên ngày 17/12/2014 ở mức 61,18 USD/thùng, trước đó 1 ngày (ngày 16/12) giá dầu thô thậm chí còn rơi xuống 58,50 USD, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009.

So với mức cao nhất của năm nay là 115,71 USD/thùng đạt được ngày 19/6, giá dầu Brent đã giảm trên 50 USD/thùng.

Nếu đúng như tính toán trên, ngân sách của Việt Nam đã thất thu một con số không nhỏ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết Việt Nam khai thác được hơn 15 triệu tấn dầu thô trong năm 2014, với chi phí khai thác dao động từ mức 30 đến 70 USD/thùng.

Như vậy, chi phí khai thác dầu thô bình quân của Việt Nam vào khoảng 50 USD/thùng. Điều này đồng nghĩa với việc hoạt động khai thác dầu thô của Việt Nam không bị lỗ nếu so sánh với mức giao dịch trên thị trường thế giới hiện nay là quanh 60 USD/thùng.

Thiệt hơn cho Việt Nam nhìn từ số liệu thống kê

Việt Nam đã xuất khẩu bao nhiêu xăng dầu và nhập khẩu bao nhiêu sản phẩm này trong những năm qua?

Theo tổng hợp của Người Đồng Hành, dựa trên số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, tính từ năm 2007 đến hết tháng 10/2014, Việt Nam đã thu về tổng cộng 67,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu xăng dầu, bao gồm 59,1 tỷ USD từ dầu thô và 8,3 tỷ USD từ xăng dầu các loại.

Cũng trong giai đoạn đó, Việt Nam đã chi tổng cộng 74,6 tỷ USD để nhập khẩu, bao gồm 2,7 tỷ USD cho nhập khẩu dầu thô, 63,7 tỷ USD cho nhập khẩu xăng dầu các loại, 3,6 tỷ USD cho nhập khẩu khí hóa lỏng, và 4,6 tỷ USD cho nhập khẩu các sản phẩm khác từ dầu.

Tính riêng 10 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam đạt 7,1 tỷ USD, nhưng nhập khẩu đứng ở mức 8,8 tỷ USD, tức là Việt Nam nhập siêu 1,7 tỷ USD giá trị sản phẩm xăng dầu các loại.

Số liệu đó cho thấy Việt Nam đã và đang là nước nhập siêu xăng dầu. Chỉ riêng nhập khẩu xăng dầu các loại (63,7 tỷ USD) đã ngốn hết số tiền thu được từ xuất khẩu dầu thô (59 tỷ USD).

Điều này góp phần khẳng định việc giá dầu giảm, kéo theo đó là giá xăng nhập khẩu của Việt Nam giảm, sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế chung của Việt Nam.

Ngoài tác dụng trực tiếp là làm giảm giá trị nhập siêu, giá dầu giảm cũng sẽ có những tác động gián tiếp như giúp giảm chi phí vận tải, chi phí sản xuất, kích cầu cho nền kinh tế, và giúp ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.

Ở Việt Nam, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 11 lần kể từ tháng 7 đến nay.

Giá niêm yết xăng dầu của Petrolimex từ ngày 6/12 đến nay

Kể từ lần điều chỉnh gần đây nhất là ngày 6.12, giá dầu thô thế giới đã tiếp tục giảm mạnh, nên Bộ Công thương – cơ quan điều hành giá xăng dầu hiện nay – đang được kỳ vọng sẽ sớm hạ giá xăng dầu trong nước xuống tiếp.

Việc giá xăng dầu giảm được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đánh giá sẽ mang lại lợi ích cho nhiều nước nhập khẩu xăng dầu, và chắc chắn Việt Nam cũng nằm trong số đó.

Trong báo cáo vừa công bố ngày 17/12, ADB nhận định dù đà tăng của khu vực Châu Á đang phát triển, đã yếu đi trong nửa cuối của năm 2014, nhưng việc giá dầu giảm là một cơ hội vàng cho nhiều nước đang thực hiện tái cơ cấu.

Cũng trong báo cáo của mình, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho năm 2014 từ 5,5% lên 5,6% và nâng dự báo cho năm 2015 từ 5,7% lên 5,8%.