Theo số liệu của UBCK, năm 2014 có 21 công ty niêm yết mới trên 2 sàn giao dịch. Trong đó nhiều tên tuổi lên HNX như: Công ty CP Hóa chất Đức Giang, Công ty CP Thủy điện Miền Trung, Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng… Trên sàn HoSE là các gương mặt đình đám: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công ty CP Thế giới Di động, Công ty CP Dây Cáp điện Việt Nam, Công ty CP Cảng Cát Lái...
Sôi động trở lại
So với trước khi niêm yết, đa số cổ phiếu có hành trình tăng giá ấn tượng từ 50 đến trên 100%. Đơn cử như NDF có mức tăng gần 111% trước khi hạ nhiệt, GTN cũng tăng liên tục với mức tăng trưởng giá hơn 99% còn VMI đã tăng 82,1%.…
Cùng với xu hướng thị trường chung cuối năm, các cổ phiếu mới lên sàn đã điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, nhiều DN chớp được cơ hội tăng vốn trong khi các NĐT “nếm mật, nằm gai” ôm cổ phiếu OTC đã thu được lợi nhuận.
Sự vận động của thị trường OTC năm qua luôn theo sát thị trường niêm yết. Từ năm 2010 đến đầu năm 2014, thị trường OTC đóng băng tại hầu hết các cổ phiếu trong bối cảnh thị trường tập trung suy giảm.
Với nhiều cổ phiếu OTC tốt, NĐT không muốn bán giá thấp trong khi bên mua cũng ngần ngại khi DN chưa có kế hoạch niêm yết. Tuy nhiên, bước sang năm 2014, khi thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng từ 530 điểm lên trên 600 điểm, nhiều DN đã khởi động lại kế hoạch lên sàn.
Cùng với quá trình hoàn thiện sổ sách, hồ sơ các cổ phiếu được giao dịch rất sôi động. Trước khi niêm yết khoảng 2 tháng, hoạt động tạo lập thị trường đã được triển khai.Các DN có mức độ đại chúng thấp thường thông qua các đầu mối OTC lớn, uy tín trên thị trường để phân phối ra bên ngoài. Trên cơ sở giá giao dịch trên thị trường OTC kết hợp định giá giá trị DN, giá tham chiếu ngày chào sàn được đưa ra ở mức phù hợp. Do đó, không có chuyện cổ phiếu bị sụt giá quá mạnh hoặc mất thanh khoản ngay trong những phiên đầu lên niêm yết.
Nắm bắt tâm lý NĐT muốn mua cổ phiếu OTC giá trị tốt và có kế hoạch niêm yết, các môi giới lớn trên thị trường OTC thường tìm kiếm DN có hoạt động thực chất, giá trị cổ phiếu chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu để giới thiệu cho NĐT.
Theo ghi nhận của Thời báo Kinh Doanh, không chỉ các cổ phiếu OTC chuẩn bị niêm yết, các cổ phiếu ngân hàng có mức giá “trà đá” cũng được giao dịch khá sôi động. Thay vì mua đợi lên sàn kiếm chênh lệch giá, NĐT mua các cổ phiếu này nắm giữ dài hạn và nhận cổ tức hàng năm trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm liên tục điều chỉnh giảm.
Cơ hội trong năm 2015
Nắm được kế hoạch niêm yết của Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ (mã TTB), anh Lê Ngọc Hoàng, NĐT tại Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) bán hết cổ phiếu trên sàn niêm yết mua 30.000 cổ phiếu TTB trị giá 430 triệu đồng.
Đến nay, TTB vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, nhưng anh Hoàng cũng không quá lo lắng. Thậm chí, anh cảm thấy có phần may mắn vì rút ra kịp thời cổ phiếu niêm yết nên tránh được cơn bão giảm giá kéo dài từ tháng 11 sang tháng 12/2014.
“Trung tâm lưu ký đã nhận lưu ký, cổ phiếu gần như chắc chắn DN sẽ lên sàn. Vấn đề là đợi thời điểm tốt để niêm yết có giá tốt. Những lúc như thế này mới thấy đầu tư vào cổ phiếu OTC an toàn”, anh Hoàng cho biết.
Trên thực tế không chỉ riêng anh Hoàng, nhiều NĐT đang chọn cách đầu tư này để hạn chế rủi ro. Nhiều chính sách cũng đang hỗ trợ cho việc tham gia IPO hoặc mua cổ phiếu trên thị trường OTC của NĐT.
Nhằm thúc đẩy CPH, tháng 9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-Ttg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN.
Theo đó, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký, DN CPH phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại VSD và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.
Đối với DN đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp đôn đốc DN hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết.
Như vậy, quy định trên là cơ sở pháp lý, góp phần tạo tiền đề cho các DN cổ phần hóa thực hiện niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường tập trung, mở ra cơ hội cho các NĐT trên thị trường OTC.
Trong bối cảnh nhiều cổ phiếu niêm yết lâu năm có xu hướng “già cỗi”, nhàm chán, việc cổ phiếu lên sàn thời gian gần đây thường tăng giá cũng tạo nên sức hấp dẫn đáng kể cho NĐT.
Theo Trâm Anh