2015 khối ngoại tiếp tục giải ngân nhiều vào bluechips đầu ngành

(NDH) VCBS cho rằng lượng giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2015 sẽ vẫn ở mức tương đối cao, có sức ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chung và tập trung chủ yếu tại các blue-chips đầu ngành có triển vọng sáng bên cạnh một vài midcap tiềm năng.

Trong bản báo cáo triển vọng năm 2015, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đã đưa ra những đánh giá về dòng vốn ngoại trong năm 2015 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xét riêng về hai quỹ ETFs ngoại tiêu biểu đang hoạt động tại thị trường chứng khoán Việt Nam, Quỹ FTSE Vietnam UCITS ETF (FTSE) và Quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VNM), năm 2014 là năm số lượng chứng chỉ quỹ của hai Quỹ này có nhiều biến động.

Trong nửa đầu năm 2014, con số mua ròng ấn tượng của nhà đầu tư nước ngoài vào khoảng thời gian này có đóng góp đáng kể của các ETF. Bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới duy trì các biện pháp nới lỏng và kích thích kinh tế là điều kiện rất thuận lợi để các ETF thu hút vốn thông qua phát thành thêm chứng chỉ quỹ (ccq) mới trên thị trường quốc tế và sau đó giải ngân mạnh trên thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, động thái của hai quỹ có phần trái chiều khi VNM chuyển sang bán ròng mạnh do chịu áp lực thoái vốn từ các nhà đầu tư trong khi FTSE hoạt động cầm chừng với số chứng chỉ quỹ ít biến động. Cụ thể, chỉ riêng trong 3 tháng cuối năm, VNM đã ghi nhận sụt giảm 2,45 triệu đơn vị tương đương giá trị bán ròng trên thị trường Việt Nam khoảng hơn 700 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ FTSE ghi nhận mức tăng ccq tương đối khiêm tốn với con số 173 nghìn đơn vị tương đương giá trị mua ròng khoảng 100 tỷ đồng.

Sự khác biệt về diễn biến của hai quỹ là do VNM niêm yết tại thị trường Mỹ trong khi FTSE chủ yếu giao dịch trên thị trường Châu Âu. Theo đó, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, nền kinh tế Mỹ cho thấy những dấu hiệu khởi sắc và FED chấm dứt gói QE3 và khả năng nâng lãi suất vào nửa cuối năm sau, các nhà đầu tư Mỹ cũng cần cân nhắc việc cơ cấu lại danh mục, giảm bớt tỷ trọng đầu tư bên ngoài và từ đó tạo áp lực bán ròng lên thị trường Việt Nam. Với những nhà đầu tư Châu Âu, hiệu ứng ngược lại diễn ra khi ECB đang thi hành chính sách nới lỏng và dự kiến sẽ đẩy mạnh kích thích kinh tế.

Đáng chú ý, bước sang đầu năm 2015, những tín hiệu tích cực hơn từ hai Quỹ ETF kể trên đã được ghi nhận. Trong đó, tính đến 14/1, quỹ VNM đã huy động thêm 1 triệu ccq, còn FTSE cũng ghi nhận tăng thêm 247.500 ccq, tương đương tổng giá trị mua ròng trên thị trường trong chưa đầy 2 tuần đầu năm khoảng 350 tỷ đồng.Động thái từ hai quỹ cũng thường là một trong những tham chiếu mà các nhà đầu tư nước ngoài khác cân nhắc và xem xét. Theo đó, VCBS cũng đánh giá đây có thể xem như một dấu hiệu về chu kỳ giải ngân mới của khối ngoại đã bắt đầu.

Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam trong năm 2015

Theo dữ liệu lịch sử, dòng vốn ngoại thường giải ngân khá mạnh từ khoảng giữa quý 4 năm trước để mở đầu cho một chu kỳ đầu tư mới trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, năm nay có phần trễ hơn khi giá Dầu thô thế giới bất ngờ lao dốc và ảnh hưởng đến thời gian cũng như quyết định đầu tư của họ. Mặc dù vậy, tính đến nay, khối ngoại đã bắt đầu có những động thái đầu tiên để mở đầu chu kỳ giải ngân sau khi đã hoàn thành việc cơ cấu danh mục dài hạn. Lượng mua ròng dần và liên tiếp cho thấy Việt Nam vẫn đang là một trong những sự lựa chọn tiềm năng của dòng vốn ngoại.

Bên cạnh đó, VCBS kỳ vọng 2015 sẽ không phải là ngoại lệ so với 5 năm trước đó nhờ vào các yếu tố: Từ phía trong nước, chính trị ổn định; thiên tai không quá thường xuyên và ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế; nền kinh duy trì sự ổn định và đang phục hồi đúng hướng; dự luật nới room cho công ty chứng khoán và các doanh nghiệp niêm yết, nếu sớm được thông qua, cũng sẽ tạo ra động lực không nhỏ, góp phần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tại các cổ phiếu hiện đã hết hoặc gần hết room ngoại.

Từ phía thế giới: các nền kinh tế lớn vẫn đang duy trì và đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng kích thích kinh tế như Nhật Bản, Châu Âu, Trung Quốc và có thể cho thấy sự cải thiện tích cực trong tăng trưởng khi các biện pháp này phát huy hiệu quả sau độ trễ thời gian trước đó; Mỹ được kỳ vọng sẽ giữ mặt bằng lãi suất thấp trong 6 tháng đầu năm 2015; hiệu ứng dòng vốn rẻ tại các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam lớn.

Theo đó, lượng giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2015 sẽ vẫn ở mức tương đối cao, có sức ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chung và tập trung chủ yếu tại các blue-chips đầu ngành có triển vọng sáng bên cạnh một vài midcap tiềm năng.