Ukraine “chèn ép” hàng loạt công ty dầu khí Nga

Moscow cáo buộc Ukraine "tấn công" các công ty dầu khí Nga, nhắm vào cả cơ sở vật chất và uy tín, RT đưa tin.

Nhiều công ty dầu khí quy mô của Nga như Lukoil, Rosneft, Transneft, và Tatneft đều chịu nhiều sức ép chính trị từ chính quyền Kiev.

Trụ sở công ty dầu khí Nga Tatneft. Ảnh: Reuters

Moscow cho biết sẽ hỗ trợ tài chính các công ty này nếu cần thiết, Bộ trưởng ngoại giao Nga khẳng định ngày 29/1.

"Hành động của Ukraine chỉ có thể lý giải theo hướng là mệnh lệnh chính trị của một người nào đó. Cách Ukraine đối xử với công ty Nga thay đổi rõ rệt sau cuộc bạo loạn chính trị", ông Valery Nesterov, chuyên gia phân tích dầu khí tại ngân hàng Sberbank nhận xét.

Lukoil

Trước đó ngày 16/1, Cơ quan tình báo Ukraine SBU đã đệ đơn kiện hình sự nhằm vào Lukoil, công ty dầu khí lớn thứ hai Nga, cáo buộc Lukoil tài trợ khủng bố tại miền Đông Donbass.

SBU cho rằng 2 tỷ USD tiền tài trợ đã được chuyển thông qua Lukoil và VETEK trong giai đoạn 2013 - 2014 tới tay phe li khai tại Donetsk và Lugansk. Nga đã phủ nhận cáo buộc trên.

Trụ sở công ty Lukoil-Ukraine tại Thủ đô Kiev.

Căng thẳng chính trị buộc Lukoil thoái 140 tỷ USD đầu tư khỏi dự án tại Ukraine trong giai đoạn 2014 - 2019.

Tháng 8/2014, công ty đã bán 240 cơ sở xăng dầu tại Ukraine cho một công ty năng lượng của Úc.

Trước đó trong tháng Ba, Lukoil là mục tiêu tấn công của một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Những người này đã đánh chiếm 3 trạm xăng dầu tại Ivano-Frankova, tỉnh miền Tây Ukraine, yêu cầu các trạm này cung cấp xăng miễn phí cho Quân đội Ukraine.

Rosneft

CEO Rosneft - ông Igor Sechin cho biết công ty đã lên kế hoạch để "bảo vệ tài sản" tại Ukraine, bao gồm 41 trạm xăng dầu và nhiều công ty lọc dầu, nhà kho.

Trước đó, Rosneft lên kế hoạch mở rộng tại Ukraine. Nhưng giống Lukoil, sự kiện lật đổ Tổng thống tại Ukraine đã ngáng đường kế hoạch này.

Giữa tháng 10/2014, một nhà máy sản xuất dầu của Rosneft bị nhóm vũ trang chiếm giữ, khoảng 13 tỷ USD sản phẩm dầu khí đã bị cướp, ông Nesterov ước tính.

Ngoài ra, Rosneft sở hữu nhà máy lọc dầu Lisichanskiy, đóng tại Lugansk, miền Đông Ukraine. Nhà máy này có công suất xử lý 8 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Tuy nhiên Lisichanskiy đã hư hỏng nghiêm trọng vào tháng Bảy sau một đợt nã pháo dữ dội từ phía Quân đội Ukraine.

Giữa tháng 10/2014, một nhà máy sản xuất dầu của Rosneft bị nhóm vũ trang chiếm giữ.

Rosneft khiếu nại đòi bồi thường 140 triệu USD, trong khi TASS đưa tin Ukraine đang tìm cách đưa nhà máy vào diện quản lý cấp quốc gia.

Tatneft

Công ty sản xuất và vận chuyển dầu khí cỡ vừa này cũng chịu nhiều sức ép từ Kiev. Tatneft liên doanh với Kremenchug - nhà máy lọc dầu lớn nhất Ukraine.

Tatneft sở hữu 30% cổ phần nhà máy từ đầu thập niên 90, nhưng đang tìm đường thoái vốn trong bối cảnh thị trường nhiễu loạn.

Tháng 8/2014, Tatneft nhận 112 triệu USD tiền bồi thường từ phía chính phủ Ukraine sau tranh cãi quyền sở hữu Kremenchug.

Transneft

Tháng Tư vừa qua, công ty vận hành đường ống dầu khí lớn nhất Nga đe dọa cắt nguồn cung dầu tới Ukraine. Nguyên nhân là do 63 triệu USD giá trị sản phẩm dầu đã bị rút trộm khỏi đường ống PrikarpatZapadTrans.

Nhưng đến tháng 12, một tòa án Ukraine đưa ra phán quyết chính chi nhánh của Transneft là Transnefteproduct đã đánh cắp 140.000 tấn dầu diesel từ đường ống.

Trước đó vào năm 2011, một toà án Ukraine phán quyết một phần dầu diesel trong đường ống của Transneft thuộc sở hữu hợp pháp của Nhà nước Ukraine.

63 triệu USD giá trị sản phẩm dầu đã bị rút trộm khỏi đường ống PrikarpatZapadTrans. (Ảnh minh họa)

"Nhanh gọn nhất là chúng tôi khóa đường ống này và quên luôn nó đi", Chủ tịch Transneft - ông Nikolai Tokarev nói vào tháng 12.

Đồng minh phương Tây?

Xung đột chính trị đang "hút máu" nền kinh tế Ukraine cũng đang khiến các công ty Nga - những nhà đầu tư lớn nhất - lo ngại. Thế vào đó, Kiev có thể sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp phương Tây.

"Trên thực tế, Ukraine không để công ty Nga làm ăn trong lãnh thổ, và đang làm mọi cách để thế chỗ công ty Nga bằng doanh nghiệp phương Tây", ông Nesterov nhận xét.

"Đây là một chính sách thiển cận, vì Ukraine không thể lấp đầy chỗ trống mà đối tác Nga bỏ lại", ông nói.

Hiện tại, Ukraine nhập 36% khí thiên nhiên từ Nga. Các nguồn cung từ phương Tây sẽ đắt đỏ hơn so với từ nước láng giềng, chuyên gia ngân hàng Sberbank kết luận.