“Tiệc tàn” tại thiên đường thuế Luxembourg

Luật thuế lỏng lẻo nơi Luxembourg đã và đang tiết kiệm hàng tỷ USD cho các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên "bữa tiệc" này đang đến giờ tàn, Fortune nhận xét.

Vào một ngày bình thường, có hàng nghìn lượt người qua lại nhà ga trung tâm Lux, đi trên con phố mua sắm Rue de la Gare.

Tuy nhiên, rất ít người lui tới một lối đi nhỏ cạnh tiệm làm đầu số 41. Nếu có, họ cũng chỉ nhìn thấy hàng chục hòm thư nhỏ vặn cố định vào tường.

Trong đó, có một hòm thư đánh dấu AIG/Lincoln - tên chi nhánh của gã khổng lồ bất động sản và bảo hiểm Mỹ AIG. Hộp thư này luôn trong tình trạng không khóa, bên trong không thư từ.

Trên tầng năm của toàn nhà là văn phòng công ty. Túc trực ở đây là một nhân viên duy nhất của AIG/Lincoln. Nhưng anh này cũng kiêm luôn chức "đại diện" cho khoảng 30 công ty khác trong tòa nhà.

Khi được hỏi về sự khó khăn khi cùng lúc nhận lệnh từ nhiều ông sếp, anh nhún vai trả lời: "Cũng không khó lắm, vì hầu như chẳng có hoạt động gì mấy".

Con phố mua sắm Rue de la Gare tại Luxembourg.

Trận chiến thời bình

Luxembourg là một quốc gia "mini", bạn có thể lái xe nửa tiếng là ra khỏi thủ đô - thành phố Luxembourg. Từ đây, bạn nhanh chóng sang tới Bỉ, Pháp hay Đức.

Phần nhiều trong số 550.000 cư dân quần tụ quanh thành phố thủ đô hàng trăm năm tuổi nằm dưới chân đồi, nơi các thành viên cuối cùng của hoàng tộc sống trong cung điện Grand Duke.

Người Luxembourg đã đấu tranh qua nhiều thời đại để bảo vệ lãnh thổ trước người Rome cổ và quân đội Napoleon.

Tuy nhiên, thời hiện đại, quốc gia này lại phải đối diện với một trận chiến mới - trận chiến đối đầu các tập đoàn hàng tỷ USD.

Một số nhà lập pháp châu Âu và Mỹ cáo buộc Luxembourg chống lưng cho các công ty trốn thuế, yêu cầu quốc gia này phải cải cách.

Các công ty run sợ đầu tiên là hàng trăm tập đoàn của Mỹ và thế giới, vẫn chuyển những món tiền khổng lồ từ bản địa sang thiên đường thuế Luxembourg, trốn hàng tỷ USD tiền thuế mỗi năm.

Phụ thuộc

Luxembourg không phải là nước duy nhất làm tiền từ các lỗ hổng thuế, bên cạnh đó còn có Hà Lan, Ireland.

Tuy nhiên không giống các tụ điểm còn lại, kinh tế Luxembourg hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào sức hấp dẫn về mặt tài chính này.

Thép từng là ngành kinh tế trụ cột của Luxembourg vào những năm 1970.

Khi thép - ngành kinh tế xương sống của đất nước - sụp đổ vào thập niên 70, Luxembourg bắt đầu chào mời các ưu đãi lớn để lôi kéo công ty nước ngoài.

Những "viên kẹo bọc đường" về tài chính bao gồm bộ máy hành chính gọn gàng và nhất là mức thuế doanh nghiệp chiết khấu mạnh mẽ chỉ còn 29%.

Chiến lược này đã phát huy tác dụng. Các quỹ tương hỗ có trụ sở Luxembourg đang quản lý hơn 3 nghìn tỷ USD, tăng từ 760 tỷ USD vào năm 2001, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, ngoại trừ Mỹ.

Có 148 ngân hàng từ 27 quốc gia trên toàn thế giới đóng tại thành phố thủ đô, và hơn 40.000 công ty đăng ký kinh doanh tại Luxembourg, vị chi cứ 8 người dân thì có một công ty.

Trong số đó, có 200 doanh nghiệp là chi nhánh của công ty mẹ tại Mỹ như PepsiCo, Amazon, Apple và Heinz. Vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Luxembourg trong năm 2013 cán mốc 416 tỷ USD.

Nếu mua một cuốn sách trên Amazon ở châu Âu, bạn có thể thấy trang phụ lục in địa chỉ công ty tại Luxembourg.

Tải một bài hát trên iTunes ở châu Âu, bạn sẽ bắt gặp một dòng lưu ý nhỏ: Bạn vừa giao dịch với một công ty đặt tại Rue Sainte-Zinthe, Luxembourg.

Trụ sở chi nhánh của Amazon tại Luxembourg.

Trái ngược với trụ sở khổng lồ của Apple tại Mỹ, văn phòng của công ty công nghệ tại Luxembourg nằm ở một con phố vắng vẻ, đối diện một tu viện và nhà dưỡng lão. Miếng dán trên chuông cửa ngoài tòa nhà năm tầng in chữ itunes.

Chuông cửa vang lên, một người phụ nữ mặc đồ ở nhà ra báo hiện không có đại diện của Apple tại Luxembourg.

2 bước ngoặt

Có lẽ thiên đường thuế Luxembourg vẫn náo nhiệt như vậy trong vài năm tới, nếu không có hai sự kiện. Đầu tiên là suy thoái kinh tế toàn cầu, buộc các chính phủ phải truy thu thuế để gia tăng ngân sách.

Sau đó, tháng 11/2014, các công ty kiểm toán Luxembourg công bố hàng nghìn tài liệu, trong đó có nhiều báo cáo mật của PricewaterhouseCoopers.

Một nhân viên trẻ của công ty kiểm toán thuộc nhóm "Big 4" đã copy trộm tài liệu ra thẻ nhớ và chuyển cho một nhà báo. Ngay lập tức, câu chuyện gây dậy sóng truyền thông.

Những tòa nhà là trụ sở của cùng lúc hàng chục công ty như thế này không phải là cảnh tượng hiếm gặp ở Luxembourg.

Được đặt tên "LuxLeaks", tiết lộ này thổi bùng phẫn nộ trên toàn thế giới. Số liệu cho thấy các công ty kiểm toán như PwC và EY đã vẽ đường cho các tập đoàn trốn thuế tại quê nhà.

Ví dụ với trường hợp của AIG/Lincoln, tập đoàn thành lập một chi nhánh tại Luxembourg để mua bất động sản vòng quanh châu Âu.

Mặc dù mọi hoạt động trong loạt tài liệu bị rò rỉ là hoàn toàn hợp pháp, mọi người vẫn rút ra kết luận: Ròng rã nhiều năm trời, Luxembourg đã vẽ ra các thương vụ thuế trong mơ cho hàng trăm tập đoàn lớn mà không bị ai sờ gáy.

PwC khai trương tòa văn phòng mới tại Luxembourg chỉ vài ngày sau khi vỡ lở bê bối. Tháng 1/2015, ngồi trong tòa nhà bọc kính chọc trời, lãnh đạo công ty vẫn chưa thôi bức xúc về vụ LuxLeaks.

Giám đốc điều hành chi nhánh Didier Mouget khẳng định công ty đã bị chỉ trích oan, khi đơn thuần hoàn thành nhiệm vụ cơ bản: Mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng.

"Phần lớn các giao dịch không nhằm mục đích trốn thuế, chúng được thiết kế để tránh tình trạng đóng thuế lặp 2 lần, thậm chí 3 lần", ông chỉ ra.

"Tị nạnh"

Nhưng dù sao, nhiều biện pháp đã được đưa ra. Năm 2014, nhóm quốc gia G-20 đồng ý áp dụng chung một quy định thuế. Tháng Một, Luxembourg bãi bỏ cơ chế bảo mật ngân hàng.

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét khả năng thỏa thuận thế của Amazon với Luxembourg có vi phạm pháp luật châu Âu hay không.

EU đang nỗ lực trám đầy các lỗ hổng thuế suất. "Chứng nào vẫn còn lỗ hổng, lúc đó các công ty vẫn tiếp tục khai thác", ông Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm chính trị và điều hành thuế của OECD khẳng định.

Vì vậy trong tháng Một, EU đã buộc các công ty phải nộp thuế doanh nghiệp tại mỗi quốc gia có khách mua hàng qua mạng.

Đây là một đòn đau đối với Luxembourg, khi mức thuế suất vỏn vẹn 3% đã thu hút hàng trăm công ty thương mại điện tử đổ về đây.

Nhiều quan chức Luxembourg "tị nạnh" rằng nếu EU muốn nước này cải cách quy định thuế, thì mọi thiên đường thuế khác cũng phải làm theo.

Khi được yêu cầu kể tên một thiên đường điển hình khác cũng cần được chỉnh đốn, ông Nicolas Mackel, giám đốc công ty Luxembourg for Finance nói: "Đến mà kiểm tra Delaware xem".

Thật vậy, Delaware là một bang nhỏ tại Mỹ, nhưng là nơi đăng ký kinh doanh của khoảng 50% tập đoàn lớn nhất thế giới. Ở đây, người ta chỉ mất khoảng 1 tiếng để đăng ký mở được một công ty.