Thị trường bảo hiểm thêm cạnh tranh

Cảnh báo thị trường bảo hiểm rơi vào tay nước ngoài nếu FTA Việt Nam - EU đi vào thực hiện.

Thị trường dịch vụ tài chính, bảo hiểm có thể sẽ tuột khỏi tay DN trong nước khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) chính thức được thông qua, bà Nguyễn Thị Bích, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính lo ngại khi đưa ra một số giả thuyết khá bất lợi.

Liên quan đến dịch vụ bảo hiểm, EU yêu cầu Việt Nam cho phép cung cấp dịch vụ tái bảo hiểm qua biên giới; các công ty bảo hiểm tại Việt Nam có vốn của EU được cung cấp dịch vụ bảo hiểm sức khoẻ; công ty bảo hiểm có trụ sở tại EU được phép bán các hợp đồng bảo hiểm vận tải nội địa qua biên giới, thành lập chi nhánh bảo hiểm nhân thọ ở nước ngoài.

Nghe qua, đây là cơ hội với người tiêu dùng. Nhưng khi quy định pháp lý đối với các dịch vụ cung cấp qua biên giới chưa đầy đủ, đây không chỉ là thách thức cho công tác quản lý mà có thể xảy ra tranh chấp và thiệt thòi cho người tiêu dùng, khi chúng ta còn thiếu vắng những quy định bảo đảm an toàn về chọn dịch vụ qua biên giới.

Về thu ngân sách, lâu nay với các hiệp định tránh đánh thuế trùng thì thu ngân sách với các loại thuế thu nhập này phải dựa trên các cơ sở thường trú. Tuy nhiên, nếu chấp thuận cho DN ở EU cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các hợp đồng vận tải tại Việt Nam, thì với các loại dịch vụ cung cấp qua biên giới này quyền thu ngân sách thuộc về nước đối tác chứ không phải Việt Nam.

Bên cạnh đó là tính khả thi về quản lý, nhất là trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời gian dài, trọn đời. EU yêu cầu được thành lập chi nhánh bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, song với hình thức chi nhánh không phải là pháp nhân, hoạt động hoàn toàn phụ thuộc quyết định của công ty mẹ. Mà công ty mẹ không phụ thuộc quyền quản lý của các cơ quan quản lý tại Việt Nam. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào quản lý được tình hình tài chính của công ty mẹ và biết được thời điểm công ty mẹ định rút giấy phép để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng Việt Nam.

"Tất cả các nguy cơ này không chắc chắn là sẽ xảy ra, nếu chúng ta mở cửa thị trường tài chính, bảo hiểm theo khung đàm phán. Song chúng tôi phải đặt ra tất cả giả thiết để các nhà quản lý xây dựng công cụ hỗ trợ cần thiết", bà Bích cho biết.

Tính toán của Trung tâm WTO (VCCI) cũng cho thấy, nếu tính chung cả 2 lĩnh vực tài chính và bảo hiểm thì khi mở cửa theo khung đàm phán với EU, đầu ra đều tăng đối với tất cả các nước ASEAN. Tuy nhiên, so với các nước ASEAN khác, Thái Lan và Việt Nam tuy đều có thuận lợi trong lĩnh vực dịch vụ tài chính nhưng sẽ gặp khó khăn trong dịch vụ bảo hiểm. Tác động trước tiên là đối với người tiêu dùng, giá bảo hiểm tại Việt Nam sẽ tăng lên, trong khi tại Singapore lại giảm đi. Đối với Việt Nam, tác động tiêu cực đến dịch vụ bảo hiểm sẽ làm giảm khoảng 25% lao động.

Tuy nhiên, ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ, Trưởng Bộ phận Kinh tế và Thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam lại trấn an khi chỉ ra, trong môi trường sản xuất hiện đại người sử dụng dịch vụ là khu vực công nghiệp. Ông phân tích, mở cửa thị trường dịch vụ của các NĐT nước ngoài gắn bó mật thiết với yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư.

Chẳng hạn, một DN sản xuất, khi sử dụng dịch vụ vận tải để chuyên chở hàng hoá thường đòi hỏi phải có các công ty chuyên cung cấp hợp đồng bảo hiểm cho chuyến hàng của họ. Đó là yêu cầu chính đáng. Hoặc các hợp đồng bảo hiểm về an toàn lao động cũng sẽ là tiêu chuẩn mà các DN EU yêu cầu DN trong nước phải trang bị cho người lao động. Do đó, NĐT EU cũng sẽ căn cứ vào việc thị trường dịch vụ tài chính, bảo hiểm tại Việt Nam có đủ phát triển để cung cấp các dịch vụ cần thiết cho họ hay không, để quyết định việc đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

"Phải nhìn nhận rằng, ngành này ở Việt Nam chưa phát triển đầy đủ. Do đó, khi mở cửa cho các nhà cung cấp, sản xuất thì chúng ta cũng đồng thời phải mở cửa cho các ngành dịch vụ như tài chính, bảo hiểm. Cùng dịch vụ đó chúng ta có thể tiếp thu bí quyết, kiến thức, thông lệ của quốc tế để cải thiện năng lực của DN Việt Nam. Nhưng, DN Việt Nam phải chấp nhận và đối mặt với cạnh tranh", ông Jean Jacques Bouflet khuyến cáo.