Sẵn sàng các phương án để tái cơ cấu cán đích

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu trong năm 2015 không chỉ có thêm NH được mua lại với giá 0 đồng như VNCB mà còn có rất nhiều NH tái cơ cấu theo hình thức hợp nhất, sáp nhập.

2015 là năm cuối cùng của giai đoạn cải cách hệ thống NH theo Đề án 254. Nhiệm vụ của Ngành đặt ra trong giai đoạn này là hoàn thiện và kết thúc những việc còn dang dở từ những năm trước để lại hoàn tất cải cách hệ thống NH trong giai đoạn 2011 - 2015. Khối lượng công việc phải làm của hệ thống NH trong năm nay là hết sức lớn.

Tái cơ cấu bước vào giai đoạn cam go

Nhìn lại 4 năm thực hiện Đề án 254 (Đề án tái cấu trúc hệ thống NH giai đoạn 2011 - 2015), hệ thống NH đã thực hiện rất quyết liệt chương trình tái cấu trúc ngay từ giai đoạn đầu và đạt được những kết quả tích cực, hệ thống NH hoạt động ổn định, lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu của quá trình này diễn ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam còn đang rất bất ổn. Thời điểm đó, khả năng can thiệp của NHNN cũng còn hạn chế và lòng tin thị trường chưa thực sự tốt. Vì vậy, trong giai đoạn đầu tái cấu trúc chỉ tập trung vào xử lý các NH yếu kém trên tinh thần tự nguyện nhưng đặt dưới sự giám sát của NHNN.

"Do chương trình tái cơ cấu lúc đầu dựa trên tinh thần tự nguyện là chính, nên chắc chắn có thể vì lý do này, lý do khác nhau cũng như tùy thuộc vấn đề nội tại của mỗi NH sẽ có NH tích cực tham gia tái cơ cấu và ngược lại. Đó cũng là lý do, giai đoạn đầu trong tái cơ cấu hệ thống NH kéo dài hơn so với mong muốn của NHNN", một vị chuyên gia bình luận.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Thống đốc NHNN khẳng định sẽ xử lý mạnh mẽ, quyết liệt hơn chương trình tái cơ cấu trong năm 2015. TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đồng tình rằng, giai đoạn này phù hợp cho những quyết sách mạnh mẽ của NHNN. Hệ thống NH đã tạo dựng, củng cố lòng tin của người dân, nhà đầu tư… Đây là những tiền đề, điều kiện hết sức quan trọng để NHNN thực hiện quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu hệ thống NH.

Ngay từ buổi gặp mặt đầu Xuân Ất Mùi, Thống đốc NHNN nhấn mạnh, 2015 là năm cuối cùng của giai đoạn cải cách hệ thống NH theo Đề án 254. Nhiệm vụ của Ngành đặt ra trong giai đoạn này là hoàn thiện và kết thúc những việc còn dang dở từ những năm trước để lại hoàn tất cải cách hệ thống NH trong giai đoạn 2011 - 2015. "Chắc chắn khối lượng công việc phải làm của hệ thống NH trong năm nay là hết sức lớn", Thống đốc đánh giá.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng:

NHNN mua cổ phần là một giải pháp trong quá trình tái cơ cấu

Thời gian qua, đối với trường hợp của NHTMCP Xây dựng (VNCB), NHNN đã thực hiện giải pháp mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng khi VNCB có vốn điều lệ đã âm (-) so với vốn pháp định. Việc NHNN trực tiếp mua cổ phần hay chỉ đạo NHTM tham gia mua cổ phần là một trong những giải pháp mà NHNN thực hiện trong quá trình tái cơ cấu.

Trong giai đoạn đầu tiên, NHNN đã đánh giá và thực hiện tái cơ cấu các NHTM yếu kém, đó là các "mắt xích" có thể gây đổ vỡ hệ thống. Và năm 2015, NHNN sẽ thực hiện theo đúng các giải pháp đã đề ra tại Đề án tái cơ cấu các TCTD theo Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, sẽ tái cơ cấu toàn diện các NH với mục tiêu các NH hoạt động chưa tốt sẽ trở nên tốt, các NH tốt rồi sẽ tốt hơn nữa.

Với những NH khi NHNN đánh giá nếu có vấn đề như vốn điều lệ âm so với vốn pháp định thì NHNN có thể áp dụng các giải pháp như tôi đã đề cập. Năm 2015, những NH nằm trong diện tái cơ cấu đều phải thực hiện theo lộ trình. Bản thân các NH trong diện tái cơ cấu, mua bán sáp nhập phải làm việc với nhau và có đề án trình NHNN xem xét, phê duyệt. Quang Cảnh lược ghi

Cụ thể hoá nhiệm vụ, ngay từ đầu năm 2015, NHNN cho thấy sự quyết liệt của mình thông qua các quyết sách bằng văn bản, Chỉ thị quán triệt các TCTD và đặc biệt quyết định mua lại VNCB với giá 0 đồng. Đây là phương thức tái cơ cấu hệ thống NH chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Tại sao NHNN lại lựa chọn phương án này mà không phải là đưa NH khác vào mua lại hoặc sáp nhập?

Thực tế, thời gian qua NHNN đã cho phép VNCB tự tái cơ cấu qua sự tham gia của cổ đông mới. Nhưng qua một thời gian, tình hình tài chính của NH này không được cải thiện, thậm chí còn suy yếu hơn và có thể đi đến bờ vực phá sản. Không còn cách nào khác, NHNN buộc phải chủ động can thiệp dẫn dắt. Theo nhận định của TS. Võ Trí Thành, đây là cách bảo vệ người gửi tiền êm thấm nhất. Điều quan trọng nữa, NHNN là nơi có đầy đủ chức năng, nguồn lực để tái cấu trúc các NH đó, tạo dựng lòng tin của thị trường vào hệ thống NH cũng như sự ổn định của hệ thống.

Trường hợp của GPBank, dù được đưa vào danh sách 1 trong 9 NH yếu kém ngay từ giai đoạn đầu tái cơ cấu. Nhưng suốt thời gian qua, hoạt động tái cơ cấu của NH này rất chậm chạp. Rất nhiều lý do cho sự chậm trễ này như cổ đông lớn đang trong quá trình thực hiện thoái vốn ngoài ngành, các cổ đông mới chưa đủ mạnh dạn đầu tư… khiến cho NH này không có đủ nguồn lực để thực hiện tự tái cơ cấu mà chỉ sống "lay lắt" qua ngày.

Nếu tiếp tục để những trường hợp NH yếu kém kéo dài thì không những trì hoãn kế hoạch tái cấu trúc của hệ thống, mà theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thậm chí còn làm suy giảm lòng tin của người dân, NĐT vào sự lành mạnh của hệ thống NH. Một chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu NH chưa hoàn tất, việc NHNN mua lại các NH bị âm vốn nhiều không thể khắc phục là lựa chọn đúng đắn nhằm đảm bảo an toàn, loại bỏ tác động xấu lan truyền đến toàn hệ thống.

Không thể chần chừ

Trước thông tin về việc GPBank và OceanBank sẽ là NH tiếp theo NHNN mua với giá 0 đồng như VNCB, trả lời báo chí mới đây, Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho biết, NHNN đang xem xét nhưng chưa đưa ra quyết định chính thức về việc mua lại GPBank, OceanBank với giá 0 đồng như VNCB. Theo Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh, nếu 2 NH trên không thể tự tăng vốn được NHNN mới mua lại với giá 0 đồng. Đồng thời, Phó thống đốc cũng nhấn mạnh: người gửi tiền có thể hoàn toàn yên tâm với sự tham gia của NHNN tại các NH này.

Nhận định việc NHNN mua lại NH yếu kém với giá 0 đồng là giải pháp đúng đắn, nhưng cũng là điều chẳng đặng đừng trong bối cảnh hiện nay. Cách xử lý này, theo ông Võ Trí Thành, không phải là trọn vẹn, đôi khi còn "ôm rơm nặng bụng". Còn ông Hiếu cũng cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời của NHNN trong thế "bí" chứ không nên duy trì lâu mà trả những NH này về lại thị trường sau khi được phục hồi. Các chuyên gia khuyến nghị NHNN nên đa dạng các phương án tái cơ cấu, đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống.

Quá trình tái cấu trúc hệ thống NH, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành đang vào giai đoạn phức tạp, cho nên một mặt NHNN phải làm cương quyết, song mặt khác phải thận trọng. "Vì nó liên quan đến nhiều câu chuyện phức tạp lợi ích, dòng tiền cho nên bên cạnh điều hành kiên quyết, triệt để thì cái gọi là sự cẩn trọng cũng là một điều không thừa", TS. Thành khuyến nghị.

Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu trong năm 2015 không chỉ có thêm NH được mua lại với giá 0 đồng như VNCB mà còn có rất nhiều NH tái cơ cấu theo hình thức hợp nhất, sáp nhập. Trong các NH sáp nhập, có thể có cả một số NH đang khỏe mạnh cũng sáp nhập vào với nhau để tạo ra một NH có quy mô lớn và khả năng hoạt động tốt hơn. Cũng sẽ có cả những NHTM Nhà nước sáp nhập lại với nhau, NHTM Nhà nước sáp nhập với NHTMCP…

Các giải pháp trên sẽ được cơ quan quản lý thực hiện quyết liệt trong 6 tháng đầu năm, đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường trong 6 tháng cuối năm để làm sao phấn đấu đến cuối năm 2015, tất cả nội dung cơ bản của Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện đầy đủ.

Trên thực tế, việc mua một ngân hàng với giá rất thấp được coi là một phương pháp tái cơ cấu, đã được nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới thực hiện. Trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Fed (Mỹ) đã mua lại Ngân hàng Bear Stearns (Ngân hàng Đầu tư và kinh doanh chứng khoán toàn cầu) và Tập đoàn Bảo hiểm quốc tế Mỹ (AIG - American International Group Inc.).

Năm 2008, Bear Stearns bị đổ vỡ do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, buộc Chính phủ Mỹ phải tiếp quản ngân hàng này và bán lại cho Ngân hàng JPMorgan Chase.

Trong trường hợp AIG, ngày 17/9/2008, chính phủ Mỹ đã tiếp quản AIG với khoản cứu vớt 85 tỷ USD nhằm ngăn ngừa phá sản của công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới trước thảm họa tài chính chưa từng có trong lịch sử. Khi tiếp quản AIG, Fed đã thay thế ban quản lý công ty này do lo ngại rối loạn của AIG có thể gây thảm họa rất lớn lên thị trường tài chính.

Các quan chức Fed và chuyên gia tư vấn của AIG đều có chung nhận định, mặc dù khoản cứu trợ này rất lớn, nhưng Fed không yêu cầu AIG phải bán tài sản hay làm thủ tục phá sản, đây là phương pháp tốt nhất và AIG sẽ hoàn trả được khoản vay này.

Qua hai thí dụ trên cho thấy, các biện pháp do NHNN tiến hành đối với VNCB là phù hợp, là phương án tốt nhất và NHNN sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm đối với những khoản nợ của ngân hàng này, còn các cổ đông của VNCB đương nhiên phải mất trắng do kinh doanh yếu kém đã dẫn đến tình trạng mất vốn.

Theo SBV (nguồn Bloomberg, NY Times)