Ngưỡng an toàn nợ công là 68% GDP?

Nếu giải quyết tốt nợ xấu, đạt tốc độ tăng trưởng 7% thì nợ công không có gì đáng ngại, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa.

Nợ công của Việt Nam hiện có an toàn? Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỉ lệ nợ công/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam cuối năm nay sẽ lên mức 60% và sẽ tiệm cận với mức trần giới hạn nợ công 65% vào năm sau. Áp lực trả nợ đối với ngân sách nhà nước hiện không nhỏ khi từ việc chiếm 22,3% tổng thu ngân sách vào năm 2013, nghĩa vụ trả nợ đã tăng lên 26,2% năm nay và lên mức 32,9% vào năm sau.

Đáng lo ngại hơn là con số đi vay nợ mới để trả nợ cũ ngày càng lớn. Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm nay Việt Nam đã dùng khoảng 77.000 tỉ đồng để đảo nợ và con số này cho năm sau dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi. So với các nước đang phát triển trong khu vực, tỉ lệ nợ công của Việt Nam cũng cao hơn hẳn.

Như vậy, với tỉ lệ nợ công/GDP ở mức 60% vào cuối năm nay, đã có những dấu hiệu cho thấy sự thiếu bền vững về mặt ngân sách. Tuy vậy, một nghiên cứu mới đây của Học viện Chính sách và Phát triển (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy tỉ lệ này vẫn chưa phải là điều nguy hiểm.

Theo nghiên cứu này, tỉ lệ nợ công/GDP tối đa dành cho Việt Nam là 68%, một con số còn lớn hơn cả ngưỡng nợ công hiện có. Khi nhỏ hơn hoặc bằng 68%, nợ công sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và tính bền vững của chính sách tài khóa. Còn khi lớn hơn 68%, theo nghiên cứu trên, nợ công sẽ kiềm hãm tăng trưởng kinh tế, làm suy giảm khả năng trả nợ và mức độ an toàn của nợ công.

Liệu ngưỡng hỗ trợ mới theo đề xuất này có đáng tin cậy khi ngay cả trong mức nợ thấp hơn như hiện nay, ngân sách nhà nước cũng đã rất chật vật?

Từ lâu nay, việc tìm ra một ngưỡng an toàn của nợ công luôn là một vấn đề hóc búa của giới nghiên cứu kinh tế thế giới. Năm 2010, hai nhà kinh tế Mỹ là Carmen M. Reinhart và Kenneth S. Rogoff đề xuất ngưỡng nợ công bắt đầu gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế là 90% GDP. Theo đó, khi nợ công của một quốc gia bắt đầu lớn hơn 90%, tăng trưởng trung bình sẽ giảm đi 1%.

Nghiên cứu này cũng nói rằng khi mức nợ công vẫn còn thấp hơn ngưỡng này thì vẫn không tìm thấy mối quan hệ rõ nét giữa nợ công với tốc độ tăng trưởng kinh tế thực. Điều đó có nghĩa là việc chính phủ đi vay nợ chưa chắc sẽ gây tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Một khía cạnh khác mà hai nhà kinh tế học này chỉ ra là ở các quốc gia mới nổi, mức nợ công cao hơn thường đi kèm với tỉ lệ lạm phát cao hơn đáng kể. Một kết quả có lẽ khá phù hợp với trường hợp của Việt Nam cho giai đoạn sau năm 2008 khi lạm phát cao hơn đi kèm với mức nợ công ngày càng nặng nề hơn.

Tuy nghiên cứu của Reinhart và Rogoff khá ấn tượng nhưng đối với nhiều người, nó vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Hai giáo sư kinh tế Robert Shiller và Paul Krugman đã chỉ ra Reinhart và Rogoff vẫn chưa giải thích được bằng cách nào nợ công lại kiềm hãm tăng trưởng, đặc biệt khi tỉ lệ nợ công/ GDP thường tăng lên mức cao nhất ngay sau các cuộc khủng hoảng tài chính hay chiến tranh, khi các quốc gia buộc phải tăng chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng.

Hãy quay trở lại với trường hợp của Việt Nam. Vấn đề nợ công có thể giảm nhẹ nếu tính đến khả năng bán tài sản công của Chính phủ để chi trả. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Việt Nam là nền kinh tế mà Nhà nước nắm giữ rất nhiều tài sản. Nếu tính tài sản công gồm giá trị các công trình công cộng, vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, các nguồn tài nguyên quốc gia mà sắp tới có thể khai khác và bán được thì giá trị không hề nhỏ.

Còn theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, vấn đề nợ công phải liên hệ với nợ xấu. “Vấn đề nợ công là vấn đề nợ xấu. Nếu giải quyết tốt nợ xấu, tốc độ tăng trưởng đạt 7% thì nợ công Việt Nam không có gì đáng ngại. Còn nếu tăng trưởng chỉ đạt 5-6%, vấn đề nợ công trong vài năm tới sẽ rất phức tạp”, ông cảnh báo.

Trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi về ngưỡng an toàn của nợ công thì năm tới ngân sách chính phủ được dự báo sẽ tiếp tục gặp áp lực lớn về nguồn thu cũng như áp lực trả nợ. Theo đó, mức bội chi dự kiến cho năm sau lên tới 226.000 tỉ đồng, tiếp tục đứng ở mức đáng lo ngại “5% GDP”.

Một yếu tố không thuận lợi cho ngân sách chính phủ là nguồn thu quan trọng từ dầu thô dự kiến sẽ sụt giảm mạnh khi giá dầu trên thế giới được các tổ chức kinh tế lớn như Goldman Sachs dự báo có thể rớt xuống mức 70 USD/thùng. Trong khi đó, giá dự toán trong kế hoạch năm sau của Chính phủ Việt Nam vẫn dùng là 100 USD/thùng