Ngân hàng âm thầm sắp xếp lại chi nhánh

Để đạt được kết quả toàn diện trong quá trình tái cấu trúc, nhiều NHTM thực hiện chiến lược sáp nhập các chi nhánh/phòng giao dịch kinh doanh thua lỗ.

Quy về một mối

Một lãnh đạo nữ của Agribank chi nhánh 6 chia sẻ, năm vừa qua chủ trương của NH là tái cơ cấu hệ thống, trong đó việc sáp nhập các chi nhánh được thực hiện khá quyết liệt. Theo vị này, những chi nhánh hoạt động không hiệu quả sẽ được sáp nhập vào những chi nhánh khỏe mạnh. Hiện chi nhánh 6 cũng đang phải gánh một vài chi nhánh khác bị rơi vào tình trạng buộc phải sáp nhập. Về nguyên tắc, các chi nhánh này vẫn hoạt động bình thường, nhưng thực tế mọi công nợ cũng như giấy tờ liên quan đều chuyển về Agribank chi nhánh 6 kiểm soát.

Tương tự, một số chi nhánh/phòng giao dịch của VietinBank thời gian qua có nhiều thay đổi. Theo đại diện của VietinBank, việc sáp nhập các chi nhánh/phòng giao dịch giúp cho NH giảm được chi phí vận hành, đồng thời thanh lọc được những đơn vị kinh doanh kém hiệu quả. Trước đây, VietinBank cũng đã sáp nhập nhiều chi nhánh như chi nhánh Bà Rịa vào chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu, chi nhánh Di Linh vào chi nhánh Bảo Lộc để phục vụ khách hàng được tốt hơn.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh doanh ngày càng khó khăn, chi phí vận hành hệ thống trở thành yếu tố quan trọng đối với NH. Câu chuyện sáp nhập chi nhánh được nhiều lãnh đạo NH cho biết tới đây sẽ diễn ra gấp rút hơn. Bởi khi thống kê lại, các NH nhận ra rằng có những đơn vị hoạt động không hiệu quả suốt nhiều năm. Do đó, các NH buộc phải tính lại để cắt giảm chi phí mặt bằng, nhân sự. Thậm chí, hoạt động này sẽ trở thành mục tiêu của một số NHTM trong năm mới.

Thừa nhận điều này, vị nữ lãnh đạo Agribank chi nhánh 6 chia sẻ thêm, tại địa bàn quận 6, việc cho vay DN không hiệu quả, vì ở đó không có nhiều DN hoạt động. Nguồn thu chủ yếu của chi nhánh nhờ vào việc thu dịch vụ đóng thuế Kho bạc Nhà nước và cho vay một phần nhỏ tiểu thương. Nay, những chi nhánh được chỉ định sáp nhập vào chi nhánh 6 vừa là áp lực, nhưng cũng tạo cơ hội cho chi nhánh 6 mở rộng thêm khách hàng.

“Biết rằng việc gánh vác chi nhánh yếu kém sẽ rất vất vả, nhưng hai hay nhiều chi nhánh/phòng giao dịch sáp nhập vào nhau sẽ tạo ra quy mô lớn hơn về vốn, con người. Từ đó sẽ tăng khả năng cung ứng vốn cho những dự án lớn hơn, đòi hỏi vốn nhiều và kéo dài với lãi suất cạnh tranh. Hơn nữa, việc sáp nhập giúp chi phí hoạt động giảm xuống, doanh thu tăng lên sẽ là yếu tố làm cho hiệu quả hoạt động của chi nhánh/phòng giao dịch sau sáp nhập cao hơn”, lãnh đạo chi nhánh bộc bạch.

Giảm áp lực tự cạnh tranh nhau

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc âm thầm dọn dẹp chi nhánh của các NH là hệ quả của một quá trình mở mới tràn lan trong những năm NH làm ăn thịnh vượng. Đến nay, khi hình thức NH điện tử phát triển mạnh, việc duy trì quá nhiều đơn vị không hiệu quả, không chỉ làm thiệt hại đến NH mà còn nảy sinh vấn đề tiêu cực là các chi nhánh/phòng giao dịch tự tìm giải pháp cạnh tranh lẫn nhau để báo cáo thành tích cuối năm.

Do đó, việc các NHTM phải đẩy nhanh quá trình sáp nhập nội bộ là điều nên làm, bởi khi một chi nhánh hoặc phòng giao dịch hoạt động không hiệu quả thì chi nhánh hay phòng giao dịch địa bàn kế cận có thể thay thế khai thác các khách hàng cũ của chi nhánh/phòng giao dịch hoạt động yếu kém đó, thay vì hội sở phải thiết lập chi nhánh hoặc phòng giao dịch mới, vừa tốn kém chi phí vừa mất rất nhiều thời gian để xây dựng hệ thống khách hàng.

Cùng quan điểm, lãnh đạo một NHTMCP nhìn nhận, trong thời kỳ cuối năm 2007 sang đầu năm 2008, các NHTM Việt Nam lao vào cuộc đua lãi suất huy động, nên mở rộng quy mô để cạnh tranh. Khi đó, lượng tiền gửi trong hệ thống NH của dân cư tăng lên không đáng kể, trong khi số dư tiền gửi của các NH chạy lòng vòng sang nhau. Bây giờ, câu chuyện diễn ra tương tự ở lĩnh vực cho vay.

Cụ thể, các NH muốn tăng trưởng tín dụng nên đồng loạt triển khai các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, áp chỉ tiêu đối với từng chi nhánh/phòng giao dịch khiến các đơn vị này cũng phải “nghĩ kế” để hút khách hàng của nhau. Kết quả, nhiều chi nhánh cũng thể hiện làm ăn chụp giật, nợ xấu tăng cao ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Vậy nên, khi NH quyết định sáp nhập những chi nhánh/phòng giao dịch lại, thì số lượng các chi nhánh sẽ giảm xuống, khi đó áp lực cạnh tranh lãi suất sẽ giảm xuống, năng lực tài chính được cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, khi chi nhánh yếu kém sáp nhập vào chi nhánh khỏe mạnh thì họ có điều kiện để kinh doanh những sản phẩm mà trước kia họ không có khả năng thực hiện. Chẳng hạn như lập phòng kinh doanh ngoại tệ. Muốn phát triển một phòng giao dịch ngoại tệ phải có đầu tư lớn về công nghệ, nhân lực và năng lực quản trị rủi ro… Hay có những chi nhánh có sẵn hệ thống khách hàng là các DNNVV, khi kết hợp với một chi nhánh chuyên cho vay đối với cá nhân và các DN nhỏ thì sản phẩm cho vay đối với các nhân viên của DNNVV sẽ được chi nhánh sau sáp nhập sử dụng triệt để nhằm khai thác lợi thế.

Tích cực là vậy, song giới chuyên môn cũng thừa nhận rằng, đến nay chưa có nhiều NH thực sự đẩy mạnh việc “thanh lý” này, bởi vẫn muốn níu kéo hình ảnh “quy mô lớn” của các ông chủ NH. Vậy nên, vẫn có chuyện có NH liên tục xin cấp phép mở thêm chi nhánh bằng mọi cách, trong khi các chi nhánh hiện hữu làm ăn lại kém hiệu quả…