Mổ xẻ “sóng ngầm” tỉ giá

Mổ xẻ “sóng ngầm” tỉ giá

Sau mỗi đợt giá USD trên thị trường “dậy sóng”, Ngân hàng Nhà nước lại phát đi thông báo cho rằng tỉ giá biến động chủ yếu do tâm lý và tin đồn. Nhu cầu về USD tăng cao dịp cuối năm đang đặt ra thử thách cho cơ quan điều hành.

Phiên cuối tuần ngày 22-11, giá USD được các ngân hàng (NH) thương mại mua vào 21.335 đồng/USD, bán ra 21.385 đồng/USD, giảm 45 đồng/USD so với mức đỉnh của đợt biến động lần này. Cũng như những lần trước, giá USD đi xuống sau tuyên bố không điều chỉnh tỉ giá của NH Nhà nước, thị trường có vẻ ổn định hơn nhưng tính ra, mức giá này đã tăng gần 100 đồng/USD so với hồi đầu tháng 10.

Nhiều yếu tố kích giá USD

Giới kinh doanh ngoại tệ cho rằng đợt biến động giá USD trên thị trường gần đây do giá vàng thế giới xuống còn 1.130 USD/ounce (thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 5 triệu đồng/lượng) đã kích thích một số đối tượng thu gom USD để nhập lậu vàng, đẩy giá ngoại tệ tăng cao. Điển hình là đầu tháng 11-2014, Công an tỉnh Điện Biên đã bắt giữ 2 đối tượng nhập lậu 15 kg vàng. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhìn nhận dù không có con số thống kê cụ thể về nhập lậu vàng nhưng giá vàng nội đang quá cao so với quốc tế sẽ khuyến khích tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng.

Tranh thủ yếu tố này, một số NH mạnh tay bán USD để chốt lời, sau đó mua lại để cân bằng trạng thái ngoại tệ. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng tỉ giá sẽ được điều chỉnh nên găm hàng, chần chừ bán USD cho NH trong khi nhu cầu mua USD để nhập khẩu hàng hóa dịp cuối năm cũng tăng. Phải nói thêm rằng NH Nhà nước cũng không bán ra USD buộc các NH cần ngoại tệ phải mua từ NH bạn. Lập tức, nhiều NH có thế mạnh kinh doanh ngoại tệ tăng dần giá bán USD lên đỉnh 21.430 đồng/USD và chỉ giảm nhẹ sau khi NH Nhà nước tuyên bố không điều chỉnh tỉ giá vào giữa tuần qua.

Dù vậy, nhiều NH khẳng định vẫn có đủ ngoại tệ cung cấp cho khách hàng có nhu cầu. Có điều, đến giờ NH Nhà nước vẫn chưa bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, bằng chứng là giá bán USD do cơ quan này niêm yết vẫn ở mức 21.400 đồng/USD, cao hơn giá bán ra của NH thương mại 15 đồng/USD.

Theo quan sát của phóng viên Báo Người Lao Động, nhu cầu USD trên thị trường ngày một tăng, đóng vai trò không nhỏ trong những đợt “nổi sóng” giá ngoại tệ gần đây. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB), đánh giá: Đang có sự căng thẳng cung - cầu khi giá USD trong các NH liên tục tăng. Khi nhu cầu về USD tăng cao, NH thương mại sẽ có xu hướng nhìn thị trường để điều chỉnh, trong khi nguồn cung lại hạn chế do người dân cảm thấy nắm giữ USD không có lợi và đã bán ra chuyển sang VNĐ.

NH Nhà nước chưa cần bán ngoại tệ?

TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Có cả yếu tố chu kỳ và yếu tố tình thế đang đẩy giá USD lên cao. Cuối năm thường là dịp các DN nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về để kinh doanh, Chính phủ cũng trả nợ nước ngoài nên nhu cầu mua ngoại tệ tăng. Lãi suất huy động VNĐ liên tục giảm và thu hẹp khoảng cách với lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ cũng tác động lên tỉ giá. Trước đây, VNĐ gửi NH được hưởng lãi suất cao nên người dân không mặn mà tích trữ USD; nay lãi suất VNĐ giảm, một bộ phận sẽ chuyển sang mua USD và nắm giữ, chờ tăng giá.

“Giá USD sẽ còn tăng cao gây áp lực lên tỉ giá từ nay đến cuối năm khi cầu tăng mạnh. Dù vậy, thời điểm này, NH Nhà nước chỉ cần bán ngoại tệ ra can thiệp thị trường, với mức dự trữ ngoại hối dồi dào như hiện nay. Có thể sẽ có đợt điều chỉnh tỉ giá vào quý I năm sau” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng Khoa Tài chính NH Trường ĐH Mở TP HCM - lại cho rằng giá USD còn neo ở mức cao là do các NH “bắt chẹt” lẫn nhau bởi nhu cầu ngoại tệ của DN chưa tăng đột biến, hệ thống NH không thiếu USD thì không có lý do gì NH Nhà nước phải bán ra ngoại tệ. Việc cơ quan quản lý duy trì con số dự trữ ngoại hối như hiện nay sẽ tạo cho thị trường tâm lý ổn định. NH Nhà nước chỉ có thể can thiệp thị trường khi xác định được cầu USD tăng vọt, các NH không đủ ngoại tệ cung ứng cho DN.

Về lâu dài, không thể cứ neo mãi tỉ giá ở mức cố định bởi nếu xét trên cơ sở ngang giá sức mua (chưa kể đến yếu tố thị trường) thì VNĐ đã mất giá khoảng 2% so với USD do lạm phát, đồng thời để tránh tạo cơ hội cho những tay đầu cơ.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Ngoại tệ dồi dào, không lo!

Phạm Hồng Hải (Phó Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam)

Mổ xẻ “sóng ngầm” tỉ giá (1)

Những ngày vừa qua, tỉ giá USD/VNĐ tăng liên tục. Theo nhận định của chúng tôi, nguyên nhân tỉ giá tăng là do cán cân thương mại của Việt Nam đã nhập siêu trong vòng 2,5 tháng gần đây (tháng 9 đến giữa tháng 11, tổng nhập siêu là 0,8 tỉ USD, theo Tổng cục Hải quan) và việc dòng vốn đầu tư gián tiếp đảo chiều sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngừng gói hỗ trợ Nới lỏng định lượng 3 (QE3). Bên cạnh đó, thanh khoản nguồn vốn VNĐ tốt trong tháng 10 và lãi suất thấp tạo điều kiện để các NH thương mại tăng cường mua ngoại tệ. Đặc biệt, nhu cầu mua ngoại tệ tăng lên gần đây khi tỉ giá thị trường chạm mốc tâm lý 21.300 và một số NH thương mại đã mua USD vào thêm để quản lý trạng thái ngoại hối của họ. Chúng ta cũng cần thấy quy mô thanh khoản thị trường Việt Nam không lớn nên khi giá USD “chạy” cộng với tâm lý người tham gia thị trường có thể làm cho tỉ giá tăng ngay mấy chục đồng.

Thông thường, nhu cầu ngoại tệ về cuối năm có xu hướng cao hơn, chủ yếu do nhu cầu thanh toán tăng và các DN cũng chủ động mua ngoại tệ để thanh toán nợ trước thời điểm hết năm. Các NH thương mại cũng có xu hướng giảm bớt trạng thái ngoại hối âm (bán lố USD so với VNĐ) để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối khá bình ổn kể từ năm 2012 đến giờ do việc điều hành tỉ giá và lãi suất của NH Nhà nước rất nhịp nhàng và kinh tế vĩ mô đi vào ổn định. Thị trường dự kiến sẽ không có sự chênh lệch cung cầu quá lớn vào cuối năm nay bởi cuối năm cũng thường là mùa cao điểm của dòng tiền kiều hối. Về vốn tín dụng ngoại tệ, chúng tôi chưa thấy nhu cầu nào bất thường từ phía DN. Các DN vay ngoại tệ phải chứng minh được rằng họ có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ. Số lượng DN có thể đáp ứng được điều kiện này cũng không đáng kể. Mặc dù việc vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ có thể giúp tiết kiệm được đến 1%/quý tiền lãi, các DN sẽ phải cẩn trọng về rủi ro tỉ giá nếu nguồn doanh thu ngoại tệ trong thời gian sắp tới không được bảo đảm. Trong trường hợp như vậy thì các DN nên chuyển sang vay VNĐ hoặc sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá như mua kỳ hạn để giảm thiểu thiệt hại liên quan đến sự biến động của tỉ giá.

Như trên đã nói, nhu cầu thanh toán của DN trong thời gian cuối năm tăng lên nhưng cho đến nay, về cơ bản, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam vẫn thặng dư (9 tháng đầu năm thặng dư 11 tỉ USD - theo như Thống đốc NH Nhà nước báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 9) nên các nhu cầu ngoại tệ của DN và cá nhân vẫn sẽ được đáp ứng đầy đủ. Ngoài ra, nguồn tiền kiều hối đổ vào giai đoạn trước Tết chắc chắn sẽ là một nguồn cung dồi dào cho thị trường để đảm bảo tỉ giá ổn định.

Hơn nữa, trong thông điệp mới nhất hôm 18-11, Phó Thống đốc NH Nhà nước - bà Nguyễn Thị Hồng - đã khẳng định trong thời gian tới NH Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo hướng bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kể cả sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp trong trường hợp cần thiết.

Thanh khoản thị trường vốn có thể sẽ gặp một số khó khăn vào đầu năm 2015 và trước Tết Nguyên đán khi nhu cầu sử dụng vốn tăng cao phục vụ cho các kỳ nghỉ dài. Thế nhưng, với diễn biến lạm phát ở mức thấp và chủ trương nhất quán của Chính phủ là giữ vững lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế thì chúng tôi dự kiến sẽ không có biến động lớn nào về lãi suất vào đầu năm 2015.

Theo THÁI PHƯƠNG - THY THƠ