“Ma trận” văn bản về thuế

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân về thủ tục hành chính thuế, tại kỳ họp thứ 8, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua một luật sửa đổi, bổ sung 5 luật đã có hiệu lực trong lĩnh vực thuế.

Song, việc ban hành một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định và một thông tư sửa nhiều thông tư lại đưa DN và người dân vào một "ma trận" văn bản quy phạm pháp luật về thuế. Chẳng hạn, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được Quốc hội thông qua năm 2008, Chính phủ đã có Nghị định và Bộ Tài chính đã có Thông tư hướng dẫn. Năm 2013, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã có Nghị định và Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định, Thông tư đã ban hành. Đến nay, lại có tiếp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2008 và năm 2013. Và, tất nhiên sẽ phải có tiếp Nghị định, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của những Nghị định, Thông tư đã ban hành.

Với Luật Thuế GTGT, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế... cũng tương tự.

Các chủ DN và người dân chắc chắn sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể, trong việc đối chiếu giữa những văn bản trong "ma trận" ấy để biết nội dung nào không sửa, nội dung nào đã sửa hoặc mới được bổ sung. Khi đã không thể biết rõ thì do vô ý mà vi phạm luật chắc chắn sẽ xảy ra. Song, dù là vô ý, đã vi phạm vẫn phải nộp phạt, truy thu, nghiêm trong hơn, có thể bị xử lý hình sự…

Như vậy, những biện pháp để tháo gỡ khó khăn lại tạo ra khó khăn mới cho DN và người dân. Do đó, khó khăn mới phát sinh rất cần được khắc phục. Giải pháp để khắc phục khó khăn đó không khó, vì chỉ cần có văn bản luật hợp nhất nội dung các luật gồm luật gốc và các luật sửa đổi, bổ sung, tương tự như vậy với Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính.

Vấn đề quan trọng là việc công bố một văn bản luật hợp nhất như trên không có quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cũng chưa có tiền lệ ở nước ta.

Mặc dù vậy, với chức năng quản lý nhà nước về thuế, Bộ Tài chính hoàn toàn có thể thực hiện được nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân.