Hà Nội: 5 % lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức trên 9 triệu đồng

Theo Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, toàn thành phố có 33.041 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) năm 2014. Trong đó, lao động hưởng TCTN với mức trên 9 triệu đồng/tháng chiếm khoảng 5%. Lao động từ 25 - 40 tuổi chiếm 72%, lao động nữ chiếm 54%.

Lao động
Lao động đăng ký BHTN năm 201433.901 người tại Hà Nội
Nhận định chung, ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (TT GTVL Hà Nội) - cho rằng, số lao động thất nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2014 gia tăng nhiều hơn năm 2013.

Cụ thể, số người đăng ký thất nghiệp năm 201433.901 người, tăng 26% so với năm 2013, tăng 37,7% so với năm 2012. Trong năm 2014, số người lao động đăng ký thất nghiệp 6 tháng cuối năm đạt 19.376, tăng 33,3% so với 6 tháng đầu năm.

Theo TT GTVL Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng trên là thời điểm những tháng cuối năm, người lao động hết hạn hợp đồng lao động có xu hướng chuyển về địa phương sinh sống, nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân và do điều kiện gia đình…

"Mặt khác, số người hưởng TCTN lần 2, lần 3 ngày càng nhiều, tính phức tạp trong thực thi chính sách tăng do thời gian tham gia BHTN của người lao động dài dẫn đến việc tổ chức thực hiện BHTN gặp một số khó khăn nhất định" - ông Nguyễn Toàn Phong cho biết.

Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc

Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội

Về đối tượng đăng ký thất nghiệp, thống kê của TT GTVL Hà Nội cho thấy, đa sốlao động phổ thông thuộc các ngành sản xuất chế biến, lắp ráp điện tử, may mặc, xây dựng, bán hàng siêu thị …

Số người thất nghiệp tập trung ở độ tuổi lao động từ 25 đến 40 tuổi (chiếm 72%), trong đó số lao động nữ chiếm 54%. Lao động chất lượng cao có mức hưởng TCTN hàng tháng từ 9.000.000 đồng trở lên chỉ chiếm khoảng 5% so với tổng lao động có Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong quá trình thực hiện, một số quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, như: Quy định về đối tượng tham gia BHTN, quy định về việc tạm dừng và tiếp tục hưởng TCTN...

Năm 2014, việc thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công về BHTN của thành phố Hà Nội đã làm giảm bớt sự dồn ứ và chờ đợt của người lao động.

Theo ông Nguyễn Toàn Phong, thông qua việc thí điểm cơ chế 1 cửa, thời gian giải quyết BHTN cho người lao động là 17 ngày, rút ngắn hơn trước 3 ngày. Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, đầy đủ, rõ ràng, phòng làm việc, trang thiết bị của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả được đảm bảo đầy đủ yêu cầu theo quy định.

Người lao động chỉ cần đến một địa điểm và được cán bộ hướng dẫn lấy số thứ tự, ngồi chờ đến lượt để làm thủ tục nên khá thuận tiện. Đa số NLĐ đến giao dịch công việc đều hài lòng về phong cách, thái độ phục vụ.

"Từ thực tế việc triển khai BHTN, chúng tôi đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH ban hành các Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện BHTN theo Luật Việc làm để các địa phương có cơ sở thực hiện" - ông Nguyễn Toàn Phong kiến nghị.