Giật mình với số thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng

Trong giai đoạn từ 2011 - 2012, tổng số thẻ Bảo hiểm y tế đã được kiểm tra, rà soát tại 63 tỉnh, thành phố là 75,712 triệu thẻ, tương ứng tổng số tiền đã chi là 28.441 tỷ đồng.

Trong đó, số thẻ bị cấp trùng là 1,451 triệu thẻ, tương ứng với tổng số tiền ngân sách nhà nước đã cấp là 624 tỷ đồng.

Đây là con số được Phó Vụ trưởng Vụ tài chính - Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính đưa ra tại buổi hội thảo "Vấn đề thu, nợ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế", vừa diễn ra sáng nay (15/10) tại Hà Nội.

Tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế ngày càng phổ biến

Theo bà Đỗ Thị Thuý Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ tài chính - Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, việc bảo đảm nguồn đóng, hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế (BHYT) từ ngân sách Nhà nước cho một số đối tượng đã góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, từng bước thực hiện mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân. Ngoài ra, còn góp phần vào thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo và công bằng xã hội, giúp cho hàng triệu người có thu nhập thấp, người nghèo, người mắc bệnh nặng được khám, chữa bệnh mà không lâm vào cùng quẫn về kinh tế khi mắc bệnh phải điều trị với chi phí lớn.

Ảnh minh họa

Tình trạng cấp trùng BHYT ngày càng phổ biến. Ảnh minh hoạ


Tuy nhiên, một thực tế khá bất cập và ngày càng phổ biến tại hầu hết các tỉnh, thành phố hiện nay là việc cấp trùng thẻ BHYT. Theo đó, một người thuộc nhiều đối tượng được cấp nhiều thẻ BHYT, dẫn đến việc chi sai, lãng phí ngân sách nhà nước.

Căn cứ báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát cấp thẻ BHYT năm 2011 - 2012 của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tổng số thẻ BHYT đã được kiểm tra, rà soát là 75,712 triệu thẻ, tương ứng tổng số tiền đã chi là 28.441 tỷ đồng. Trong đó, tổng số thẻ BHYT cấp trùng 1,451 triệu thẻ, tương ứng với tổng số tiền ngân sách Nhà nước đã cấp trùng là 624 tỷ đồng.

Lý giải về tình trạng này, bà Hằng cho rằng, do các đơn vị quản lý đối tượng chỉ tập trung kê khai, lập danh sách đề nghị cấp thẻ cho các đối tượng thuộc phạm vi mình quản lý, mà chưa rà soát hoặc yêu cầu đối tượng tự kiểm tra, cam kết xem các đối tượng này đã được hưởng chế độ BHYT theo các chính sách khác chưa.

Lý giải về tình trạng trẻ do dưới 6 tuổi được cấp trùng thẻ BHYT, bà Hằng cho biết, hiện nay, đa số trẻ em dưới 6 tuổi là thân nhân của lực lượng quân đội, công an được cấp 2 thẻ BHYT. Trong đó, 1 thẻ do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cấp và 1 thẻ do ngành lao động tổng hợp theo danh sách cấp thẻ tại địa phương.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cũng cho rằng, việc để xảy ra tình trạng cấp trùng thẻ BHYT là do trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc rà soát, đối chiếu danh sách không được phân định rõ. Các đơn vị chuyên môn của xã, phường, thị trấn, không rà soát các đối tượng tham gia BHYT trước khi trình Uỷ ban nhân dân quận, huyện phê duyệt danh sách.

Cùng với đó là, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các sở, ban, ngành và các đơn vị quán lý đối tượng tham gia BHYT trong việc rà soát doanh sách cấp thẻ BHYT. Cơ sở dữ liệu nằm phân tán, việc kiểm tra trùng lặp hoàn toàn thủ công. Mã thẻ không cố định và chưa có mã định danh, nên khó thống kê theo dõi quá trình tham gia hoặc đi khám chữa bệnh một cách hệ thống.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm tình trạng cấp trùng

Thực hiện BHYT toàn dân là một nội dung quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc và là giải pháp tài chính bền vững trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng cấp thẻ BHYT trùng chéo ngày càng lan rộng như hiện nay, đã khiến nguồn ngân sách của Nhà nước bị lãng phí nặng nề.

Chia sẻ về giải pháp để giảm tình trạng trùng chéo BHYT hiện nay, bà Song Hương cho rằng, các bộ ngành cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, cũng như nâng cao năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về BHYT. Phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và BHYT để tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chi phí.

Cũng theo bà Song Hương, các cơ quan tham mưu của Quốc hội cần phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, đánh giá kết quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về BHYT và việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Liên quan đến vấn đề này, bà Hằng cũng cho rằng, ngành Bảo hiểm xã hội cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý, đảm bảo liên thông, kết nối thông tin được giữa các đơn vị trong toàn ngành Bảo hiểm xã hội. Tổ chức chuyển đổi việc cấp mã thẻ BHYT theo số định danh đối tượng quản lý, đảm bảo thống nhất quản lý đối tượng theo số định danh, nhằm loại bỏ việc trùng lặp dữ liệu.

"Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 khóa XIII đã giao Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT trên địa bàn", bà Hằng chia sẻ.