Gian nan thoái vốn ngân hàng

Các tập đoàn vẫn vất vả cuộc hành trình thoái vốn khỏi ngành ngân hàng. Cột mốc 2015, đừng đến vội!

Thoái vốn khỏi các ngân hàng là một phần bắt buộc nằm trong lộ trình tái cấu trúc mà Chính Phủ đã phê duyệt cho các tập đoàn kinh tế. Kể từ năm 2013, làn sóng thoái vốn khỏi ngành ngân hàng đã bắt đầu, nhưng cho đến nay quá trình này đã không nhanh như kỳ vọng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính đến hết năm 2013, giá trị đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng chiếm trên 15.200 tỉ đồng. Về tốc độ thoái vốn, nếu như năm 2013, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 734,7 tỉ đồng tại các ngân hàng thì tốc độ thoái vốn có dấu hiệu chững lại khi 6 tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 73 tỉ đồng.

Sức ép thoái vốn

Làn sóng đầu tư của các tập đoàn và tổng công ty vào khu vực ngân hàng bắt đầu trở thành “phong trào” trong giai đoạn 2006-2008, khi nhiều ngân hàng ồ ạt phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Theo báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2014 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tỉ lệ đầu tư vào ngân hàng chiếm gần 60% trong tổng số đầu tư vào lĩnh vực tài chính (bao gồm cả bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán, quỹ đầu tư).

“Bất chấp yêu cầu của Chính phủ buộc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty phải thoái vốn khỏi các ngành kinh doanh không phải là nòng cốt, đầu tư của các doanh nghiệp này vào ngân hàng vẫn tăng liên tục trong năm 2011 và 2012. Cho đến cuối năm 2013, tất cả 10 tập đoàn còn tồn tại đều sở hữu ít nhất một ngân hàng với các mức độ sở hữu khác nhau”, báo cáo viết.

Dưới sức ép tuân theo lộ trình thoái vốn của Chính phủ, từ giữa năm 2013 đến nay, đã có nhiều thương vụ thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng diễn ra thành công. Tập đoàn Điện lực (EVN), chẳng hạn, giảm tỉ lệ sở hữu ở Ngân hàng An Bình (ABBank) từ mức gần 22% xuống còn 16%, hay Vietnam Airlines thoái hết 2,72% vốn ở Techcombank vào cuối năm ngoái. Gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng Sản (Vinacomin) cũng tuyên bố thoái hết 4,09% vốn khỏi SHB.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tập đoàn khác chưa thoái hết vốn khỏi ngân hàng. Trong đó, còn vướng nhiều nhất có lẽ là Tập đoàn Dầu khí (PVN). PVN hiện sở hữu 52% vốn của Ngân hàng Đại Chúng (PVCombank) và 20% vốn của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) với tổng giá trị lên đến 5.480 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex sở hữu 40% PGBank và các trường hợp sở hữu với tỉ lệ nhỏ hơn như VNPT sở hữu 8,95% Maritime Bank, Vinalines sở hữu hơn 1% Maritime Bank, Tập đoàn Dệt May sở hữu 3,69% Ngân hàng Quốc Dân.

Năm 2015 là hạn chót để các tập đoàn thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Và hiện các tập đoàn này vẫn tiếp tục kế hoạch thoái vốn. Chẳng hạn, gần đây Vinalines tuyên bố chuẩn bị bán hơn 20 triệu cổ phiếu Maritime Bank qua hình thức đấu giá.

Riêng trường hợp của PVN, tập đoàn này dự kiến hoàn tất thoái vốn ở các ngân hàng sau năm 2015. Tình huống tại PVN được xem là khá đặc biệt. Theo lý giải của ông Lê Minh Hồng, Phó Tổng Giám đốc PVN trong cuộc gặp gỡ báo chí gần đây, nguyên nhân chính có liên quan đến hoạt động tái cấu trúc của ngân hàng. Cụ thể, Chính phủ đã có chỉ đạo đồng ý để PVN trợ giúp PVCombank cho đến hết năm 2015, sau thời gian này mới được rút bớt vốn; còn ở trường hợp của OceanBank, PVN vẫn đang chờ chủ trương của Ngân hàng Nhà nước dù kế hoạch thoái vốn đã có.

Chật vật tìm người mua

Tình hình thoái vốn không nhanh như kỳ vọng có lẽ còn một nguyên nhân cơ bản khác là hiện ít ai quan tâm đến việc mua cổ phiếu ngân hàng, khi ngành này đang đứng trước nhiều thách thức lớn, trong đó có vấn đề nợ xấu. Một bằng chứng là trên thị trường chứng khoán niêm yết, giá cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng của thị trường. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VPBS trong báo cáo cập nhật tình hình ngân hàng vào giữa tháng 9.2014, mức tăng trưởng của các cổ phiếu ngành ngân hàng chỉ 5,5% trong khi VN-INdex tăng đến 33,7%.

Công ty Chứng khoán VCBS thì đưa ra nhận xét: “Hiện tại giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang kém sôi động với thanh khoản ở mức độ vừa phải và biến động giá không nhiều. Các cổ phiếu ngân hàng niêm yết được giao dịch với mức P/B trung bình là 1,2 với giá cao hơn giá trị sổ sách” . Còn trên thị trường OTC, phần lớn giá cổ phiếu ở mức thấp hơn mệnh giá. Theo VCBS, sự kém sôi động là do nguồn lực của ngân hàng đang ưu tiên xử lý nợ xấu và tái cơ cấu, kết quả kinh doanh của các ngân hàng bị ảnh hưởng và chưa có đột phá.

Với diễn biến này, rõ ràng, việc thoái vốn ở ngân hàng trong thời điểm hiện tại là không dễ dàng. Mức giá thế nào và ai sẽ chấp nhận mức giá này là một câu hỏi lớn. Để thoái được vốn trên thị trường, giá cần phải giảm về mức thích hợp. Chẳng hạn như Vietnam Airlines buộc phải giảm giá bán cổ phần Techcombank từ 12.100 đồng/cổ phần ở lần đấu giá đầu tiên không thành công (do chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký đấu giá) xuống còn 10.800 đồng/cổ phần ở lần thứ hai và được 3 nhà đầu tư mua lại toàn bộ hơn 24 triệu cổ phần này.

Trong khi đó, người mua lại cổ phiếu từ các tập đoàn dường như chính là những ông chủ đương thời của ngân hàng đó. Trong thương vụ thoái vốn của EVN tại ABBank, EVN thỏa thuận hơn 25,2 triệu cổ phần với mức giá 10.000 đồng/cổ phần cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Geleximco. Công ty này vốn thuộc sở hữu của ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị ABBank.

Một tình huống tương tự là trường hợp thoái vốn của Vinacomin khỏi SHB. Khác với cổ phiếu chưa niêm yết của Techcombank và ABBank, SHB đã niêm yết, nên việc bán cổ phiếu của ngân hàng này cũng dễ dàng hơn. Có lẽ đó là lý do mà trước đó, tại Đại hội cổ đông của Vinacomin hồi tháng 4, Tập đoàn khá tự tin với kế hoạch thoái vốn khỏi SHB, đồng thời lựa chọn hình thức bán cổ phiếu qua sàn. Đến tháng 7 vừa qua, một lượng lớn cổ phiếu của SHB đã được thỏa thuận. Kết thúc, Vinacomin công bố bán hết 36,3 triệu cổ phiếu của SHB, đồng thời Tập đoàn T&T công bố đã mua vào một lượng cổ phiếu tương ứng. T&T thuộc sở hữu của ông Đỗ Quang Hiển, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB.

Trong bối cảnh khó khăn tìm người mua, Quyết định 51/2014 của Chính phủ ban hành hồi tháng 9 vừa qua (có hiệu lực vào đầu tháng 11 tới) đang được xem là phao cứu sinh cho các tập đoàn. Quy định này được xem là một bước tiến lớn, khi trước đây các tập đoàn phải chịu áp lực thoái vốn thì phải có “lời”; còn hiện nay, họ có thể thoái vốn dưới mệnh giá, hoặc dưới giá trị sổ sách sau khi trừ đi dự phòng theo quy định, đồng thời cho phép điều chỉnh nếu như bán đấu giá không thành công.

Cũng theo quyết định này, các tập đoàn có thể chuyển nhượng phần vốn lại cho ngân hàng thương mại thuộc sở hữu Nhà nước hoặc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nếu không bán được cho ai. Một thông tin khác tại hội thảo Triển khai Quyết định 51 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9.10 vừa qua, SCIC cho biết sẽ chỉ mua lại phần vốn của các doanh nghiệp nhà nước nếu những khoản đầu tư này nhỏ hơn 5% vốn điều lệ ở các ngân hàng, còn lại Ngân hàng Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm xử lý chính.

“Quá trình thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn nhà nước phải hoàn thành trước năm 2015. Theo quan sát của chúng tôi, các tập đoàn này đã có sự chuẩn bị nhất định cho quá trình thoái vốn với một số kế hoạch thoái vốn đã được thực hiện như Tập đoàn Cao su, Vinacomin đối với phần đầu tư tại SHB, hay Vietnam Airlines tại Techcombank. Và một số đang trong giai đoạn chuẩn bị như VNPT, PVN. Với sự chuẩn bị của các tập đoàn cùng các yếu tố hỗ trợ từ chính sách, mục tiêu thoái vốn theo đúng lộ trình là có cơ sở thực hiện”, VCBS nhận xét.