Đừng trở thành Warren Buffett, hãy là chính mình !

(NDH) Nhiều nhà đầu tư đang cố gắng học tập chính xác những gì mà tỷ phú Warren Buffett đã làm, nhằm đạt được những thành công như ông. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư này đang phí thời gian.

Hầu hết giới tài chính đang xôn xao bởi bức thư thường niên lần thứ 50 của tỷ phú Warren Buffett gửi tới các cổ đông của Berkshire Hathaway vào cuối tuần trước. Nhiều nhà báo, điều tra viên, nhà đầu tư đã cố gắng phân tích bức thư này của vị tỷ phú nhằm tìm ra những yếu tố khiến họ có thể “đầu tư như Warren”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng các nhà đầu tư đang tốn thời gian, bởi họ không phải là Warren Buffett và các nhà đầu tư sẽ không bao giờ có thể đầu tư giống hệt như những gì vị tỷ phú này đã làm.

Nguyên nhân? Rất đơn giản là tỷ phú Buffett có nhiều yếu tố phù hợp với phong cách đầu tư của ông mà các nhà đầu tư khác không có, hoặc có thể không bao giờ có. Ngoài khoản tiền 73 tỷ USD của vị tỷ phú này, những kỹ năng và khả năng của Buffett là những thứ mà không phải ai cũng thích hợp.

Một số chuyên gia cho rằng có 3 yếu tố chính làm nên thành công của Buffett, và những yếu tố này thường rất khó có được.

Đầu tiên, ông Warren Buffett có được một hệ thống triết lý đầu tư sâu sắc đã được thử thách qua thời gian và có thể được tóm gọn trong một cụm từ: Đánh giá chính xác các khoản đầu tư.

Như chính ông Buffett đã từng nói, ông là một học trò của Giáo sư Benjamin Graham tại trường Columbia Business School. Vị tỷ phú này cho biết Giáo sư Graham là “thần tượng của tôi kể từ khi tôi đọc cuốn sách ‘Đầu tư Thông minh’ của ông ấy.”

Tỷ phú Buffett đã đầu tư vào những công ty được định giá thấp dựa trên những nền tảng cơ bản của các công ty này và xem xét đầy đủ bảng cân đối tài chính của họ. Việc này đòi hỏi một tập hợp rất đặc biệt của nhiều kỹ năng. Nếu chỉ đọc một vài quyển sách đầu tư về cách đánh giá các khoản đầu tư là không đủ để có thể làm được như ông Buffett.

Hơn nữa, tỷ phú Buffett là một nhà đầu tư rất tuân thủ kỷ luật. Không có một phương pháp đầu tư nào có thể luôn luôn hiệu quả trong mọi khoản đầu tư. Điều này có nghĩa là dù các nhà đầu tư có đang đầu tư hiệu quả đến đâu đi chăng nữa thì sẽ đến lúc khoản đầu tư của họ sẽ không còn hiệu quả nữa. Mặc dù vậy, có thể phải mất nhiều năm để phương pháp đầu tư hiệu quả của một nhà đầu tư bị thay đổi bởi một phương pháp đầu tư hiệu quả mới.

Để các nhà đầu tư có thể duy trì phương pháp đầu tư của mình cho đến khi không còn sử dụng được nữa thì họ cần hiểu rất rõ mình đang làm gì. Đồng thời các nhà đầu tư cũng cần nhận ra rằng cũng có những thời kỳ hoạt động đầu tư kém hiệu quả như dự đoán, thậm chí điều này phải trở thành một điều bình thường khi đầu tư. Tuy nhiên, điều làm nên khác biệt của những nhà đầu tư thành công là tính kỷ luật trong việc loại bỏ những yếu tố ảnh hường bên ngoài và tập trung gắn bó với phương pháp đầu tư của mình.

Trở lại những năm cuối thập niên 90, khi cổ phiếu ngành công nghệ thông tin đang tăng trưởng mạnh và chỉ số công nghệ Mỹ Nasdaq đã tăng 40% hoặc hơn thế trong một số năm thì phương pháp đầu tư của ông Buffett không được ưa chuộng thời đó. Khi những khoản đầu tư của tỷ phú Buffett không có nhiều đột phá thì rõ ràng lợi nhuận mà những khoản đầu tư này mang lại không như kỳ vọng của nhiều người. Một số chuyên gia thời đó đã cho rằng ông Buffett đã thua cuộc và phương pháp đầu tư lỗi thời của ông đã không còn hiệu quả. Thậm chí tỷ phú Buffett thời đó còn được gọi là “một con khủng long” (ám chỉ sự lỗi thời, tuyệt chủng) trong một số bài phân tích.

Yếu tố này của tỷ phú Buffett đòi hỏi các nhà đầu tư phải có tính kỷ luật thép trong việc kìm nén cảm xúc của bản thân, nhằm tránh việc bị lệch ra khỏi phương pháp đầu tư của mình. Nhà đầu tư Buffett và những đồng nghiệp của ông như Charlie Munger đã làm được như vậy, liệu các nhà đầu tư khác có thể làm như thế hay không?

Cuối cùng, thời gian đầu tư của Warren Buffett là cực kỳ dài hạn. Tỷ phú này đã từng tuyên bố thời gian nắm giữ tài sản đầu tư là “mãi mãi”. Mặc dù câu nói này là khá cường điệu nhưng thời gian nắm giữ tài sản đầu tư của ông Buffett là rất dài.

Trong vài thập kỷ qua, tỷ lệ nắm giữ bình quân tài sản đầu tư ngày càng ngắn. Hiện nay ngày càng có nhiêu nhà đầu tư ưa thích đầu tư ngắn hạn, thường được tính bằng một phần triệu giây trên các bảng giao dịch điện tử, hơn là nắm giữ trong dài hạn.

Khả năng “không làm gì cả và chỉ chờ đợi” của một nhà đầu tư đang bị đánh giá quá thấp. Tỷ phú Buffett hiểu rõ khả năng này, nhưng liệu các nhà đầu tư khác có nhận ra hay không?

Tuy nhiên, các chuyên gia không hề khuyên các nhà đầu tư không nên cố gắng học hỏi từ ông Buffett hay cố gắng đạt đến cấp độ đầu tư như của vị tỷ phú này. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nên nhớ rằng tỷ phú Buffett có một triết lý đầu tư sâu sắc, có tính kỷ luật và thời gian đầu tư rất dài mà hiện nay hầu như không có nhà đầu tư nào có.

Nếu các nhà đầu tư chú ý đến Warren Buffett, họ có thể nhận ra một sự thật sau thành công của ông. Đó là ông luôn chân thật với chính bản thân mình. Nhà đầu tư tài ba này đã tìm ra phương pháp đầu tư thích hợp với tính khí, khả năng, sở thích và cá tính của bản thân.

Để trở thành một nhà đầu tư lớn, những gì mà các nhà đầu tư cần học hỏi từ Warren Buffett không phải là cố gắng sao chép chính xác phong cách đầu tư mà ông đã làm. Sự phù hợp hoàn toàn giữa tỷ phú Buffett và phong cách đầu tư của ông đã được thể hiện rõ qua các khoản đầu tư của Berkshire Hathaway.

Đôi khi, những chiến lược tối ưu mà các nhà đầu tư không thể thực hiện lại không hiệu quả bằng nhưng kế hoạch đầu tư ít hiệu quả hơn nhưng có thể thực hiện.

Vì vậy, đừng trở thành Warren Buffett, hãy là chính mình !