Đua 'về đích' nợ xấu

Đua 'về đích' nợ xấu

Các ngân hàng đang chạy đua nước rút để đưa nợ xấu về 3% - đích mà hầu hết tổ chức tín dụng đều đặt ra trong kế hoạch hoạt động kinh doanh của niên độ tài chính 2014. Những giải pháp nào đang hỗ trợ các ngân hàng và việc cán đích này có thành công?

Theo thống kê của TS Cấn Văn Lực - cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT NH BIDV, VN hiện có 97 tổ chức tín dụng bao gồm cả các ngân hàng nước ngoài, chi nhánh, văn phòng và các Cty tài chính lẫn các ngân hàng nội.

Mòn lợi nhuận

Tính đến quý III/2014, nợ xấu của hệ thống NHTM nói trên, so với quý trước và cùng kì năm trước, đã có nhiều thay đổi. Trong đó đáng chú ý nhất là một số ngân hàng đã quyết liệt chọn giải pháp chấp nhận trích lập dự phòng rủi ro với giá trị tối đa 100%, đồng nghĩa chấp nhận giảm lợi nhuận. VIB, ACB, Eximbank và nhiều ngân hàng đều đã thực thi giải pháp này.

Với VIB, đây là một ngân hàng trong năm 2013 đã có một quý kinh doanh thua lỗ. Cũng năm 2013, nợ xấu của VIB là 2,78%. Thực tế để đạt được tỷ lệ nợ xấu “đẹp” này, VIB đã phải chấp nhận trích lập dự phòng rủi ro gần 1.000 tỷ đồng và theo đó, chấp nhận giảm lợi nhuận tới 95%. 3 quý của năm 2014, VIB tiếp tục phương cách này, chấp nhận lợi nhuận bị ăn mòn vì khoản dự phòng rủi ro khủng.

Gần đây nhất, báo cáo quý III/ 2014, 1 năm sau quý thua lỗ cùng kì năm trước, VIB công bố lợi nhuận đạt tới 798 tỷ đồng. Tuy nhiên đây là con số chưa trừ khoản trích lập dự phòng. Sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế của VIB chỉ còn lại 234 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy khoản trích lập dự phòng đã tương đương gấp hơn 2,4 lần khoản lợi nhuận mà ngân hàng còn lại. Chính nhờ “cứu cánh” trích lập dự phòng quyết liệt, từ một ngân hàng có nợ xấu cao vào những năm trước, tính đến quý III/2014, nợ xấu của VIB chỉ còn 2,19%, tức giảm 19% tương đương 810 tỉ đồng nợ xấu.

Tương tự như VIB là ACB, một ngân hàng cũng đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro và nỗ lực xử lí các vấn đề còn tồn đọng trong quá khứ trong 2 năm trở lại đây. Nếu như các năm trước, ACB tập trung mọi nguồn lực để xử lí vấn đề vàng thì năm nay, lợi nhuận sau thuế bị ăn mòn không còn là nguyên nhân vàng mà là hoạt động nghiệp vụ chính của ngân hàng - tín dụng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của ACB, lợi nhuận sau thuế quý 3-2014 đã giảm đến 34%, lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 25%. Giải trình của ACB cho biết mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.735 tỷ đồng, nhưng do phải trích dự phòng rủi ro tín dụng tới 664 tỷ đồng nên lợi nhuận giảm chỉ còn 837,5 tỷ đồng. Bên cạnh kết quả tích cực là lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 1.071 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch năm là 1.189 tỷ đồng (+14,8% so với cùng kỳ năm trước) và theo đó ACB có khả năng hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm thì nợ xấu dù trích lập vẫn là nỗi lo ngại có thể tiếp tục “ngáng đường”, khi tốc độ tăng trưởng… nợ của ngân hàng này cũng lại tăng, đạt đến mức 3.478 tỷ đồng, chiếm 3,07% tổng dư nợ, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 70%...

Một chuyên gia cho rằng dù xót xa, nhưng không thể không thừa nhận sau một giai đoạn nặng gánh nợ xấu, các ngân hàng giờ đây đã tích cực hơn trong động thái chấp nhận chọn giải pháp trung thực, không còn “biểu diễn” số đẹp đối với nợ xấu và đặc biệt là lên dây cót tinh thần cho các cổ đồng chấp nhận giảm lợi nhuận để trích lập dự phòng.

Bán nợ cho VAMC: Giải pháp... tạm

Với một số ngân hàng có cơ hội được VAMC chọn “mua” các khoản nợ, thì đương nhiên việc bán nợ cho VAMC là một giải pháp đắc lực để đưa nợ xấu về số đẹp. Trong quí III/ 2014, nhiều ngân hàng đã chọn bán nợ tiếp tục với con số hàng nghìn tỷ đồng cho VAMC.

Điển hình có Vietinbank, NHTMCP có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống ngân hàng VN hiện tại. Theo thống kê của CTCK Bản Việt, Vietinbank đã bán hơn 6.000 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 281,7 triệu USD) cho Cty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) kể từ khi ngân hàng này bắt đầu bán nợ xấu cho đến cuối tháng 11/2014.

Cty này dẫn báo cáo tài chính quý III/2014 của CTG, phân tích: Số dư nợ xấu của ngân hàng này khoảng hơn 6.900 tỷ đồng. Việc bán nợ xấu cho VAMC đã giúp CTG giảm tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 11/2014 xuống 1,35% từ mức 1,75% tại thời điểm cuối quý III/2014. Cần lưu ý là chỉ một quý trước đó, vào 31/6/2014, nợ xấu của CTG đã tăng vọt từ 3.770 tỷ đồng cuối 2013 lên 9.575 tỷ đồng trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 3.172 tỷ đồng. Do tổng dư nợ lớn nên mặc dù số nợ xấu khủng, tỷ lệ nợ xẩu của CTG vẫn ở mức “an toàn” 2,53%.

Dù vậy, nếu “hy sinh” lợi nhuận để trích lập dự phòng gần cả chục nghìn tỷ đồng nợ xấu, giải pháp này sẽ khó có thể thành hiện thực khi ở thời điểm 6 tháng lợi nhuận của CTG cũng chỉ đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy không thể tính là “bền vững” nhưng do đó việc bán nợ cho VAMC để giảm trừ nợ với CTG xem ra vẫn là lựa chọn hợp lí hơn cả.

Riêng với Sacombank, có lẽ đã có nhiều kinh nghiệm khi bán nợ cho VAMC. Theo báo cáo tài chính quý III/2014 của Sacombank, nợ xấu đã giảm rất mạnh. Cụ thể, nợ xấu tính đến thời điểm 30/09/2014 chỉ còn 1.222 tỷ đồng, tương đương 0,98%, mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay. Bên cạnh tỷ lệ nợ giảm đẹp, trong cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 5 của ngân hàng cũng từ mức 1.334 tỷ đồng cuối quý trước chỉ còn 758 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến cho nợ xấu của Sacombank giảm mạnh chủ yếu là trong quý 3 đã bán một phần nợ cho VAMC làm giảm 433 tỷ đồng nợ xấu trích lập dự phòng. Trong 9 tháng đầu năm 2014, Sacombank mới chỉ dùng 43 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, chỉ bằng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Cần nhớ năm 2013, Sacombank cũng là ngân hàng bán nợ với giá trị lớn khoảng 800 tỷ đồng cho VAMC và tuyên bố sẽ bán tiếp 1.000 tỷ đồng đợt 2. Một nguồn tin cho biết ngân hàng này tới nay đã bán khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Nói một cách khác và đúng thực chất hơn, việc nỗ lực “gửi nợ vào kho” của VAMC đã giúp Sacombank sở hữu được tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

Chất lượng giảm nợ


Từ các nỗ lực của ngân hàng thời gian qua, có thể thấy nhiều ngân hàng đã và đang đạt, thậm chí có thể cán mốc nợ xấu 3% tính đến cuối năm 2014. Với tốc độ này thì có lẽ không cần chờ yêu cầu của Quốc hội là các ngân hàng phải đưa nợ xấu về 3% vào năm 2015, thì cuối năm nay tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng nói chung có khả năng sẽ giảm đẹp đúng mục tiêu.


Trích lập dự phòng rủi ro về cơ bản có vẻ như chỉ là việc “chung vai gánh vác” khó khăn cùng ngân hàng từ các cổ đông ngân hàng mà theo đó, lợi nhuận giảm sẽ giảm cổ tức các cổ đông nhận được. Chỉ có điều lựa chọn chung vai đó đã đủ để các ngân hàng “dứt” nợ xấu, vì kể cả khi ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro 100% các khoản nợ - điều đó đã phản ánh chính xác nợ xấu của ngân hàng đó hay chưa, hay chuyện trích lập này sẽ còn kéo… dài qua nhiều quý khi có nợ mới phát sinh?.


Trên thực tế nếu VAMC vẫn không có động thái nào để tạo ra giao dịch mua bán nợ trên bình diện rộng, thì các ngân hàng lại sẽ tiếp tục tái diễn câu chuyện vẫn thụ động loanh quanh trong khối nợ xấu. Và nợ xấu vẫn chưa hoàn toàn xử lí dứt điểm.


Theo dõi tài sản chào của VAMC hiện nay, có khoảng 67 món tài sản chủ yếu là bất động sản, nhà máy, chung cư, bệnh viện, khai thác mỏ quặng đang được thông tin đại chúng. Nhưng dù đại chúng, những thông tin liên quan các tài sản chào bán, thời hạn chào bán, giá trị chào bán và nhiều yếu tố cần chi tiết “đính kèm” khác lại không thấy đâu. Chừng nào mà VAMC còn chưa thể “rõ ràng” được các yếu tố cần chi tiết này thì việc bán nợ vào VAMC để các ngân hàng hy vọng thu hồi nợ qua trung gian “kho gửi”, vẫn sẽ rất khó thành hiện thực.


Bản thân DN đã được ngân hàng bán nợ qua VAMC, trên thực tế vẫn đang phải chịu lãi suất cao 10,30% cho VNĐ và 4,70-5,70% cho lãi suất USD và EUR. Như vậy, càng để lâu, nợ xấu sẽ càng xấu chứ chưa hẳn đã có thể “thơm lên” như chia sẻ của Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPost Bank Nguyễn Đức Hưởng.


Nợ xấu vẫn nghẽn...

Cách đây hai năm, trả lời phỏng vấn của DĐDN, chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi cho rằng cho rằng cái thiếu và yếu để xử lí nợ của ngân hàng hiện tại là chưa phát triển được thị trường mua bán nợ. Cùng một nhận định đó, sau hai năm, ông Nhi đặt câu hỏi tại sao VN vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ…

Đua 'về đích' nợ xấu (1)-Nhìn lại sau hơn hai năm xử lí nợ xấu của hệ thống ngân hàng, ông có nhận định gì?


Có hai điều có thể thấy khá rõ: Thứ nhất, nợ xấu đã giảm khá đẹp. Thứ hai, nợ xấu sau khi vào VAMC, đang tiếp tục nghẽn ở đó.


-Theo thông báo của NHNN thì VAMC cũng đã bán được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi và có lãi... ?


Trước đó, VAMC cũng đã thông báo bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng chưa biết đến nay liệu có nhà đầu tư nước ngoài nào chính thức mua được nợ của VAMC!


-Vậy theo ông điểm nghẽn này đang dồn lại do đâu?


Rất nhiều yếu tố. Trong đó lưu ý theo một thống kê thì có khoảng 70% nợ xấu thuộc DNNN. Ai dám bán tài sản của DNNN cho một bên thứ ba, cho nhà đầu tư nước ngoài? Thậm chí nếu có bán, liệu có bao nhiêu nhà đầu tư sẽ mua?


-Tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu có giá trị đa phần đều là bất động sản. Theo ông khi Quốc hội đã thông qua việc người nước sở hữu bất động sản, đây sẽ là điều kiện khiến nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm hơn đến mua các khoản nợ xấu của ngân hàng VN?


Nợ xấu muốn chuyển động tốt, cần có thị trường mua bán nợ thực sự. Một thị trường mua bán nợ thực sự lại cần có cơ chế thị trường, cần có giá mua và giá bán chênh lệch, mua thấp bán cao, có đấu thầu và sự tham gia của nhiều bên... Sau hơn 2 năm với sự vào cuộc của VAMC, chúng ta đã tạo được thị trường đó hay chưa?


Chúng ta vẫn chưa có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Các tổ chức ngoài VAMC, DATC vẫn chưa thể tham gia vào mua nợ xấu một cách cạnh tranh theo cơ chế thị trường từ các ngân hàng. Do đó các ngân hàng rất “kẹt” vì không có cơ chế chủ động mua bán nợ. Nỗ lực làm lành mạnh hóa hệ thống, lành mạnh hóa tài sản dĩ nhiên theo đó bị hạn chế rất nhiều. Việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại VN tất nhiên sẽ làm tăng sức hấp dẫn của tài sản bất động sản lên một chút, nhưng vẫn không bù đắp lỗ hổng, hạn chế đó.

- Xin cảm ơn ông!

Trong kì họp Quốc hội vừa kết thúc hôm 28/11, Quốc hội đã thông qua kế hoạch năm 2015 và đồng thời riêng đối với lĩnh vực ngân hàng, cũng yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ, tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.


Đưa nợ xấu về dưới 3% cũng là một trong cam kết phấn đấu trong mục tiêu điều hành mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra trong Diễn đàn Doanh nghiệp cuối năm vừa diễn ra đầu tháng 12. Như vậy có thể nói, tỷ lệ nợ xấu 3% là một trong những “chỉ tiêu” quan trong nhất của ngành ngân hàng vào năm sau.


Với tình hình trích lập dự phòng và bán nợ cho VAMC như hiện nay, các ngân hàng đang có nhiều điều kiện để có thể thực thi mục tiêu của năm 2015 một cách “thong thả”, “nhẹ nhàng” hơn. Nhưng đó chỉ là trực quan – thấy được. Còn đằng sau đó là cả một “cuộc chiến” dài khi từ chỗ tổng nợ xấu vào tháng 9/2012 đạt 465 nghìn tỷ đồng, sau hai năm nỗ lực cũng chỉ xử lí được hơn 54% và sự vào cuộc của VMAC cũng chỉ đóng góp mua được chưa tới 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu.



Theo Lê Mỹ - Thuận Hóa