Doanh nghiệp vẫn phải “tự bơi”

Doanh nghiệp vẫn phải “tự bơi”

Câu chuyện về thực trạng DN khát vốn đã được nêu lên nhiều lần, song thực chất, chưa bao giờ câu chuyện này hết thời sự.

Chỉ 30% doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tiếp cận được vốn vay từ hệ thống ngân hàng, còn lại 70% phải tự xoay sở bằng nguồn vốn tự có, hoặc tìm đến các nguồn vốn khác với việc chấp nhận một mức lãi suất cao. Điều này lý giải nguyên nhân tại sao số DN phá sản và số DN thu hẹp quy mô sản xuất vẫn khá nhiều.

Doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn chiếm số lượng áp đảo

Việc DN khát vốn vẫn chưa hết tính thời sự. Theo phản ảnh của cộng đồng DN, những DN có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ hệ thống ngân hàng vẫn là một con số khiêm tốn: 30%. Còn lại, tới 70% số DN phải tự bơi, tự cứu mình bằng những mối quan hệ: người thân, bạn bè, vốn tự có, và thậm chí là nguồn tín dụng đen.
Hiện cả nước có khoảng 500.000 DN nhỏ và vừa, chiếm 97,5% tổng số DN đang hoạt động thực tế với tổng số vốn đăng ký khoảng 121 tỷ USD, chiếm 30% tổng vốn đăng ký của các DN. Là các DN nằm trong khu vực DN nhỏ và vừa song những đóng góp của cộng đồng DN này cho nền kinh tế lại không hề nhỏ.

Số liệu thống kê cho biết, hàng năm các DN nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP; 30% thu nộp ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút 51% lao động. Tuy nhiên, thực tế, thời gian qua, dư luận đã chứng kiến, hoạt động của cộng đồng DN đã gặp muôn vàn khó khăn. Mỗi tháng, con số DN bị phá sản, đào thải khỏi thương trường lại được công bố lên tới hàng ngàn DN.

Mặc dù chiếm 97,5% tổng số DN đang hoạt động thực tế, nhưng con số DN vừa và nhỏ chỉ chiếm khoảng trên 30% (DN vừa chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 29,6%) còn lại có tới 56,7% là DN siêu nhỏ. Số liệu này cũng tiếp tục nói lên rằng, mặc dù có những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế, song những khó khăn về nguồn vốn đang khiến các DN cứ rơi rụng dần và ngày càng thu hẹp quy mô sản xuất.

Câu chuyện về thực trạng DN khát vốn đã được nêu lên nhiều lần, song thực chất, chưa bao giờ câu chuyện này hết thời sự. Phản ảnh của cộng đồng DN, những DN có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ hệ thống ngân hàng vẫn là một con số vô cùng khiêm tốn: 30%. Còn lại, tới 70% số DN phải tự bơi, tự cứu mình bằng những mối quan hệ: người thân, bạn bè, vốn tự có, và thậm chí là nguồn tín dụng đen.

Tìm vốn

"Cách đây một năm, khi nghe thông tin Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ hạ nhiệt lãi suất cho vay, chúng tôi đã rất vui mừng và đặt nhiều hy vọng sẽ có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn vay rẻ. Tuy nhiên, càng ngày, tôi càng nhận ra rằng, cơ hội này rất khó khăn vì chúng tôi thể đáp ứng đủ mọi tiêu chí cho vay của ngân hàng. Một DN đang khó khăn chồng chất, nguy cơ phá sản đến nơi thì lấy đâu ra một số tài sản lớn để thế chấp, làm tài sản đảm bảo theo như yêu cầu đặt ra của các ngân hàng?”, ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ một DN sản xuất vật liệu xây dựng tại Hà Nội nói.

Còn ông Lương Văn Toán, một chủ hộ chăn nuôi heo tại Đồng Nai cho biết, nông nghiệp là lĩnh vực được xếp vào diện ưu ái hơn các lĩnh vực khác, song trên thực tế, các chính sách hỗ trợ bà con nông dân trong sản xuất lại thiếu tính thực tiễn nên rốt cuộc, người nông dân vẫn không được tiếp cận được những ưu đãi do chính sách mang lại.

Đơn cử như việc, nhà nước có chính sách hỗ trợ các hộ nông dân 10 con heo mỗi hộ, nhưng số lượng này theo ông Toán là một con số thiếu thực tế, cần phải hỗ trợ ít nhất là 50 con mỗi hộ để các hộ chăn nuôi nhỏ có thể duy trì được sản xuất. Nếu không, khi ra thị trường, các hộ sản xuất nhỏ sẽ bị đánh dạt hết do bị thương lái trả giá quá thấp. Đó là hiện tượng "cá lớn nuốt cá bé” mà nhiều bà con nông dân ở Đồng Nai đang phải đối mặt, ông Toán bày tỏ và cho rằng, những chính sách hỗ trợ được đưa ra lâu nay hầu như rất xa rời thực tiễn, do đó không giúp được nhiều cho cộng đồng DN, cho người sản xuất…

Tâm sự nói trên của những người trực tiếp sản xuất kinh doanh, có lẽ chính là những tồn đọng lâu nay, và không phải bây giờ họ mới nói ra. Ngược lại, điều này đã đến tai các nhà quản lý, các nhà làm chính sách từ lâu, song dường như những giải pháp đưa ra vẫn chưa đủ để giải tỏa được những nút thắt. TS Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DNVVN (SISME) nêu lên một thực tế rất đáng suy nghĩ. Ông cho biết, trong những lần khảo sát về vấn đề liên quan đến nguồn vốn cho DN mà Viện SISME thực hiện, có DN nói rằng họ không cần gói hỗ trợ, cũng chẳng cần đến chính sách hỗ trợ của Ngân hàng hay Quỹ đầu tư nào đó. Vì một lý do muôn thuở: Thủ tục đánh giá là điều kiện khó khăn mà DN không thể đáp ứng được.

Chính tâm lý thất vọng bởi những chính sách thiếu thực tế, không sát với nhu cầu thực của DN đã và đang khiến cộng đồng DN trở nên thờ ơ với những thiện chí từ phía nhà quản lý. Họ đành tự tìm nguồn vốn khác, sự hỗ trợ từ những mối quan hệ thân quen, thậm chí là tìm nguồn vốn từ những nguồn tín dụng đen bất chấp rủi ro rình rập để có thể tự cứu mình.

Có lẽ, dù không còn sớm, nhưng cũng vẫn kịp thời để các nhà quản lý tính đến việc điều chỉnh chính sách để có thể gần hơn, sát hơn với cộng đông DN vừa và nhỏ, lấy lại niềm tin nơi họ bằng sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực và nhanh chóng chứ không chỉ đưa ra các gói trợ giúp nhưng thủ tục triển khai thì lại quá… xa vời.

Theo Duy Phương