Chuyên gia nói gì về việc cho phép NHTM được sử dụng 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn?

Chuyên gia nói gì về việc cho phép NHTM được sử dụng 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn?

Nhiều ngân hàng ở Việt Nam thực hiện việc quản lý rủi ro nội bộ rất tốt nhưng không phải ngân hàng nào cũng thế. Do đó, nếu áp dụng rộng rãi thì độ rủi ro rất cao.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 36/TT-NHNN “Quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của các Tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài” có hiệu lực từ ngày 1/2/2015.

Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư này đó là quy định tại Điều 17 “Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn với tỷ lệ tối đa là 60%, tổ chức tín dụng phi ngân hàng được cho vay với tỷ lệ tối đa là 200%”.

Ở góc độ tích cực, nhiều chuyên gia tài chính thì cho rằng, việc nới room như quy định này của NHNN sẽ giúp các NHTM tăng trưởng được tín dụng, đặc biệt là trong bối cảnh huy động vốn có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng lại không thể cho vay ra như hiện nay.

Nhưng luật sư Trương Thanh Đức – người có nhiều năm kinh nghiệm theo dõi ngành tài chính ngân hàng cho rằng: Đây là một quy định rộng rãi đến mức không thể ngờ. Quy định hiện hành thì tỷ lệ này chỉ là 30%, nay được phép tăng gấp đôi.

Theo ông Đức, lâu nay, tỷ lệ 30% vẫn không thấy thông tin bị vượt rào, thì giới hạn 60% sẽ quá dễ dàng đối với các ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu như ngân hàng sử dụng hết tỷ lệ này, thì nguy cơ mất cân đối giữa nguồn vốn ngắn hạn và trung, dài hạn quá lớn.

Đồng tình với cảnh báo nếu áp dụng đúng quy định này trong tương lai không xa nhiều khả năng ngành ngân hàng Việt Nam sẽ bị đối mặt với nguy cơ mất cân đối giữa nguồn vốn ngắn hạn và trung dài hạn; chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu bổ sung thêm:

“Giả sử các ngân hàng dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn hết room 60% như quy định của Thông tư 36, trong bối cảnh hầu hết các khoản gửi của khách hàng hiện nay đều là ngắn hạn, một khi nhu cầu rút tiền của khách hàng tăng thì các ngân hàng sẽ phải đổ xô lên thị trường OMO vay hoặc tăng lãi suất huy động để có tiền trả khách hàng”.

Ông Hiếu chia sẻ, “tôi được biết nhiều ngân hàng ở Việt Nam thực hiện việc quản lý rủi ro nội bộ rất tốt nhưng không phải ngân hàng nào cũng thế. Do đó, nếu áp dụng quy định sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn với tỷ lệ tối đa là 60% trên diện rộng thì độ rủi ro rất cao”.

Ngân hàng nên tự chọn giải pháp an toàn cho mình

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù NHNN có quy định như vậy nhưng các NHTM nên xem trọng chính sách quản lý rủi ro của mình và nên sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn với tỷ lệ tối đa khoảng 30%.

“Còn trong trường hợp ngân hàng nào cần sử dụng tỷ lệ này nhiều hơn cũng chỉ nên dừng ở mức 50 – 55% chứ không nên sử dụng hết room 60% như sự cho phép của NHNN” – Ông Hiếu khuyên.

Trả lời câu hỏi: Nên chăng NHNN không áp dụng quy định là bao nhiêu phần trăm mà yêu cầu các NHTM phải tự có chính sách về quản lý rủi ro rồi chỉ cần trình lên NHNN xem xét?

Ông Nguyễn Trí Hiếu nói: Ở nước Mỹ điều này đang được áp dụng, họ không có quy định về tỷ lệ cho vay hay huy động/cho vay như ở Việt Nam. Và NHTW của Mỹ sẽ căn cứ vào 2 điểm đó là: Độ hở về kỳ hạn và phân tích độ hở nhạy cảm của lãi suất để giám sát hoạt động của các NHTM.

“Tuy nhiên, ở Việt Nam để áp dụng được chính sách quản lý như thế là rất khó. Việc NHNN có quy định tỷ lệ trần là cần thiết nhưng tỷ lệ đó là bao nhiêu để vừa đảm bảo được sự phát triển của các ngân hàng và vừa đảm bảo được sự an toàn lâu dài của hệ thống thì đó là điều cần phải cân nhắc kỹ” – Ông Hiếu nói.

Còn chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực thì cho rằng, để có đánh giá kỹ càng thì cần phải chờ thêm hướng dẫn cụ thể từ NHNN bởi lẽ Thông tư 36 này mới là các quy định chung chung chưa có các khoản mục rõ ràng quy định những trường hợp nào được áp dụng và những trường hợp ngoại trừ là gì.

Khánh Nhi