Các DN nước ngoài vẫn lo lắng về nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam

Các DN nước ngoài vẫn lo lắng về nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam

Vấn đề giao dịch chủ yếu dùng tiền mặt hiện nay của Việt Nam khiến nhiều tổ chức cũng như doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam tỏ ra lo ngại.

Ông Dennis Hussey - Tổng giám đốc Ngân hàng Citi Việt Nam đồng thời là Trưởng nhóm Công tác ngân hàng của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cho rằng: Hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trong thực tế thực hiện phòng chống rửa tiền (PCRT) mà các ngân hàng nước ngoài đang “vướng” khi triển khai.

Mặc dù có đánh giá cao sự ra đời của Thông tư 31/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 35/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về PCRT đã được ban hành ngày 11/11/2014 với rất nhiều đề xuất của nhóm đã được xem xét tiếp thu, tuy nhiên, theo ông vẫn còn một vài điểm trong Thông tư 31 mới sửa đổi, bổ sung Thông tư 35 và Nghị định 116 trên thực tế sẽ rất khó hoặc không thể triển khai.

“Đơn cử, thu thập thông tin về cá nhân nắm giữ từ 10% vốn điều lệ trở lên trong pháp nhân và cá nhân nắm giữ từ 20% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức góp vốn trên 10% vào pháp nhân. Quy trình thực hiện ra sao hiện vẫn chưa được quy định rõ trong Thông tư 31 khiến các ngân hàng nước ngoài khá lúng túng và gặp khó khăn trong thực hiện” – Ông Dennis Hussey nói.

Về thu thập thông tin địa chỉ, người đại diện của công ty mẹ, công ty con, văn phòng đại diện của khách hàng nước ngoài, và thông tin về cá nhân, tổ chức thụ hưởng (số CMT, hộ chiếu, mã số thuế…), đại diện nhóm công tác ngân hàng cho biết cũng sẽ rất khó để có được các thông tin trên về khách hàng nước ngoài/không cư trú.

Đối với quy định “gặp mặt khách hàng khi thiết lập quan hệ lần đầu”, ông Dennis Hussey cho rằng, đây là một yêu cầu được các nhà băng ngoại cho rằng không thực tế, nếu khách hàng là người không cư trú, hoặc sẽ không cần thiết nếu ngân hàng cung cấp một số nghiệp vụ cho số lượng lớn khách hàng như nghiệp vụ thanh toán lương.

“Vì PCRT là một nội dung ưu tiên toàn cầu, nhóm công tác mong rằng các ngân hàng nước ngoài sẽ không phải tiếp tục xin ý kiến không qua văn bản với NHNN về vấn đề này. Hy vọng, NHNN sớm ban hành những quy định hướng dẫn cụ thể, chi tiết và sát thực tế để các ngân hàng dễ dàng triển khai hơn trong thực tế”- Ông Dennis Hussey nói.

Giao dịch tiền mặt sẽ làm gia tăng mối lo về rửa tiền và tham nhũng

Vấn đề giao dịch chủ yếu dùng tiền mặt hiện nay của Việt Nam cũng khiến nhiều tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam tỏ ra lo ngại.

Theo bà Virginia B.Foote- Hội đồng quản trị doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, việc lạm dụng tiền mặt ở Việt Nam rất nguy hiểm. Tại 10 nước có tỷ lệ tiêu dùng không dùng tiền mặt hàng đầu có tới hơn 80% số giao dịch được thực hiện mà không dùng tiền mặt, trong khi đó con số này ở Việt Nam chỉ là 3%.

Bà Virginia B.Foote cho rằng, những nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt dễ dẫn đến những vấn nạn như tham nhũng nhỏ đến rửa tiền quy mô lớn đều phổ biến và khó đối phó hơn.

“Rửa tiền sẽ phát triển khi những giao dịch giá trị lớn như đất đai, xe cộ và hàng hóa giá trị khác được chi trả bằng tiền mặt. Việc giao dịch bằng tiền mặt giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhà nước có thể tạo môi trường cho những hành vi ‘đưa tiền lót tay’, hối lộ, cũng như những quy trình kế toán, kiểm toán đáng ngờ, không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế” – Bà Virginia B.Foote nhấn mạnh.

Cũng theo bà Virginia B.Foote, đối với những doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động ở Việt Nam để tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại mới, cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng để trả phí dịch vụ, lệ phí, đóng thuế, thanh toán tiền điện, tiền nước và các khoản mua sắm lớn… sẽ là phương thức quan trọng để giảm chi phí sản xuất, cũng như đẩy lùi nguy cơ về tham nhũng.

Khánh Nhi