Ai sẽ mua trái phiếu của VCBS và Trí Việt nếu không có tài sản đảm bảo?

Ai sẽ mua trái phiếu của VCBS và Trí Việt nếu không có tài sản đảm bảo?

Hai công ty dịch vụ tài chính là Công ty quản lý quỹ Trí Việt và CTCK Vietcombank mới đây đều công bố kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu với quy mô nhỏ từ các nhà đầu tư cá nhân.

Ảnh minh họa.

Trái phiếu doanh nghiệp là một sản phẩm tài chính cũ và quen thuộc (để các ngân hàng bơm vốn quy mô lớn cho doanh nghiệp sản suất, bất động sản). Nhưng với 2 công ty trên, các trái phiếu được phát hành sẽ tương tự các sản phẩm chứng khoán phái sinh lần đầu xuất hiện tại Việt Nam.

Cụ thể, Trí Việt và VCBS đều phát hành trái phiếu với mệnh giá thấp để nhiều nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia. Lãi suất được đặt cao hơn lãi tiết kiệm hiện tại để tăng sự hấp dẫn và quan trọng hơn, các trái chủ có thể được chuyển nhượng hoặc cầm cố để tăng thanh khoản. Sau 6 tháng trái chủ có quyền yêu cầu công ty phát hành mua lại trái phiếu.

Tất cả các "thiết kế" này nhằm tăng cường tính hấp dẫn của một sản phẩm tài chính kiểu mới. Nhưng sẽ khó có thể bù đắp lại "sự vắng mặt" một đặc tính truyền thống khác trong hoạt động phát hành trái phiếu là tài sản đảm bảo. Yếu tố này không được đề cập trong các thông tin đã công bố về kế hoạch phát hành của Trí Việt và VCBS.

Có nghĩa là, nếu không có tài sản đảm bảo, người mua trái phiếu sẽ hoàn toàn đặt niềm tin vào khả năng trả nợ của tổ chức phát hành. Điều này sẽ đến từ hiệu quả, mục đích sử dụng vốn huy động được sau đó.

Mục đích sử dụng vốn của cả Trí Việt và VCBS chỉ được công bố là "bổ sung vốn kinh doanh". Tuy nhiên, nhìn vào hoạt động của các công ty này có thể dự đoán được, vốn sẽ chảy vào thị trường chứng khoán trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua dịch vụ margin).

Tất nhiên, cả VCBS và Trí Việt đều có vốn chủ sở hữu lớn hơn nhiều lần quy mô trái phiếu dự định huy động, nên khả năng trả nợ của trái chủ sẽ được đảm bảo cao.

Đến cuối tháng 9, vốn chủ sở hữu của VCBS là 1.016 tỷ đồng còn Trí Việt là 76 tỷ. Công ty quản lý quỹ Trí Việt đang trình cổ đông kế hoạch tăng vốn lên khoảng 300 tỷ đồng trong năm sau.

Nhờ vào quy mô nhỏ nên các đợt phát hành hoàn toàn có thể thành công về số vốn huy động. Nhưng, nếu các nhà đầu tư cá nhân thực sự lo ngại rủi ro và không mua các trái phiếu này, hay nói các khác sản phẩm này thất bại, nó sẽ chỉ ra điều gì? Nếu không phải là các nhà đầu tư đang thiếu niềm tin vào thị trường.

Còn các công ty sẽ luôn đặt mục tiêu lợi nhuận kinh doanh lên trên trong mọi dịch vụ, sản phẩm. Ngay trong lúc này, VCBS đang chào lãi suất cho vay dịch vụ margin 0,035%/ngày (tương đương 12,6%/năm) và 10,8%/năm đối với dịch vụ ứng trước, cao hơn từ 2% - 4% so với mức lãi suất dự định huy động vốn trái phiếu.

Trong khi Trí Việt chỉ dự kiến huy động 30 tỷ như một thử nghiệm đối với thị trường thì kế hoạch huy động của VCBS (200 tỷ) còn thể hiện các công ty chứng khoán đang khan hiếm nguồn vốn cho dịch vụ margin cũng như đầu tư, mà theo nguyên tắc chỉ nên sử dụng trong phạm vi vốn chủ sở hữu của các công ty này.

Tuần trước, công ty quản lý quỹ Trí Việt (TVC) cho biết sẽ chào bán 30 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Trái phiếu có mệnh giá 10 triệu đồng, lãi suất 10,5%/năm, trả lãi 6 tháng một lần, kỳ hạn 18 tháng. Nhà đầu tư được quyền bán lại trái phiếu cho công ty sau 6 tháng và được quyền chuyển nhượng cho bên thứ 3 kể từ ngày mua.

CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) công bố trên Cafef.vn sẽ phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (không quá 99 người mua). Trái phiếu có giá phát hành là 1 triệu đồng và lãi suất 8,5%/năm trong kỳ đầu tiên (lãi được trả 6 tháng một lần). Các kỳ tiếp theo lãi suất có mức bù 2% trên lãi tiết kiệm cá nhân 12 tháng của Vietcombank. Thời hạn của trái phiếu do VCBS phát hành là 2 năm.